Đây là văn bản pháp lý quan trọng, cụ thể hóa Luật Giáo dục năm 2019 và triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
Việc ban hành nghị định nhằm thiết lập hành lang pháp lý vững chắc cho công tác hướng nghiệp và phân luồng, hai trụ cột then chốt trong đổi mới giáo dục. Dự thảo không chỉ giúp điều chỉnh nhận thức xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp, mà còn thúc đẩy học sinh lựa chọn nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu thực tiễn. Đây là bước tiến quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
 |
Học sinh Trường THCS Trưng Vương được định hướng tư duy nghề nghiệp từ sớm. |
Dự thảo gồm 5 chương, 14 điều, với quy định chi tiết về nguyên tắc, nội dung, biện pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện hướng nghiệp-phân luồng. Bốn nguyên tắc được nhấn mạnh là: Hài hòa giữa nguyện vọng cá nhân và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tôn trọng quyền lựa chọn học tập và nghề nghiệp; bảo đảm tính hệ thống, liên tục; tăng cường phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội.
Về nội dung hướng nghiệp, dự thảo đề cập đến việc cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng lao động, kỹ năng thiết yếu, kết hợp đánh giá năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, học sinh sẽ được hướng dẫn xây dựng lộ trình học tập phù hợp, phát triển kỹ năng mềm và tư duy nghề nghiệp sớm.
Về định hướng phân luồng, dự thảo nêu rõ các lựa chọn sau bậc THCS và THPT, bao gồm học tiếp chương trình phổ thông, chuyển sang học nghề hoặc gia nhập thị trường lao động, tùy theo năng lực và nguyện vọng của từng học sinh.
Các biện pháp thực hiện bao gồm: Lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong chương trình học; tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề; tư vấn cá nhân hóa; tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và doanh nghiệp. Cùng với đó là các điều kiện bảo đảm về đội ngũ, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị và kinh phí.
Khi được thông qua, nghị định sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hướng nghiệp và phân luồng, giúp học sinh định hướng từ sớm, lựa chọn đúng ngành học, hạn chế tình trạng học lệch, học sai nghề. Đồng thời, chính sách mới còn góp phần giảm áp lực tuyển sinh cho các trường đại học, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp và bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường.
KHÁNH HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.