Rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng nhảy dù

Đề tài được nghiên cứu bởi nhóm tác giả thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự: Thiếu tá Lê Anh (chủ nhiệm đề tài), Đại úy Phạm Minh Kha, Thiếu tá Phan Hoàng Cương. Hệ thống huấn luyện và kiểm tra các thao tác: Rời cửa máy bay, mở dù và lái dù D6 cho các học viên mới nhảy dù, học viên phi công, các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu thường xuyên, với 2 bài huấn luyện: Nhảy dù ổn định 3 giây và nhảy dù ổn định đeo vũ khí trang bị chiến đấu dưới 30kg.

leftcenterrightdel
Hệ thống huấn luyện cho học viên có được bản lĩnh tâm lý trước khi nhảy dù thực tế, rèn luyện được kỹ năng lái dù và hạn chế những rủi ro. 

Một trong những ưu điểm của hệ thống được nhiều học viên đánh giá cao, chính là huấn luyện cho học viên có bản lĩnh tâm lý trước khi nhảy dù thực tế, rèn luyện kỹ năng lái dù và hạn chế rủi ro, bất trắc trong quá trình huấn luyện.

Thiếu tá Lê Anh chia sẻ: “Hệ thống áp dụng công nghệ thực tại ảo 3 chiều là cung cấp cho người nhìn hình ảnh trực quan sinh động giống như trong thực tế. Học viên được huấn luyện trên hệ thống này sẽ có cảm giác giống như nhảy dù trong thực tế. Thông qua môi trường huấn luyện được mô phỏng tại các sân bay tại Việt Nam, khi huấn luyện nhảy thực tế, học viên không bị bỡ ngỡ và sẽ xử lý được tốt nếu có bất trắc trong quá trình nhảy dù và nhảy được đúng vị trí yêu cầu của người chỉ huy đặt ra”.

leftcenterrightdel
Khi đeo chiếc kính trong hệ thống mô phỏng có thể nhìn thấy không gian xung quanh giống như đang đứng quan sát trước cửa máy bay. 

Khi đeo chiếc kính trong hệ thống mô phỏng có thể nhìn thấy không gian xung quanh giống như đang đứng quan sát trước cửa máy bay. Để tạo ra đường không gian 3 chiều giúp người tập cảm nhận được giống như trong thực tế, nhóm tác giả đã áp dụng công nghệ thực tại ảo 3 chiều, xây dựng mô hình địa hình 3D giống như trong thực tế. Cụ thể trong đề tài, nhóm tác giả áp dụng mô hình của sân bay Hòa Lạc. Thông qua các chuyến khảo sát, nhóm tác giả xây dựng đúng với địa hình của sân bay Hòa Lạc, các phương tiện như máy bay trực thăng MI-17 và mô hình của người nhảy dù, cũng như là mô hình dù D6 giống trong thực tế. Qua những hình ảnh khảo sát đó, dựng lại mô hình thông qua các phần mềm mô phỏng như 3DS Max hoặc Planner và sử dụng các engine đồ họa 3 chiều. Cụ thể như Andril Engine, thông qua việc làm chủ công nghệ về thiết kế cũng như về chế tạo, nhóm tác giả đã tạo ra hệ thống là sự tích hợp của cả phần cơ khí điều khiển cũng như phần mềm mô phỏng để tạo nên hệ thống này.

Làm chủ công nghệ, giảm rủi ro trong huấn luyện

Trong quá trình khảo sát tại Quân chủng Phòng không-Không quân, nhận thấy hiện tại nội dung huấn luyện nhảy dù của Quân đội còn tương đối thô sơ, dựa trên những kiến thức được học, được nghiên cứu, tích hợp các kiến thức chuyên ngành, nhóm tác giả nhận thấy rằng có khả năng tự làm chủ thiết kế cũng như chế tạo ra được hệ thống huấn luyện nhảy dù giống như các hệ thống huấn luyện nhảy dù của nước ngoài. Hệ thống của chúng ta phát triển thì sẽ tự làm chủ cũng như xây dựng được các bài huấn luyện phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bảo đảm yếu tố bí mật quân sự, tiết kiệm chi phí, đồng thời với quá trình đó học viên sẽ được làm quen và giảm bớt những bất trắc trong quá trình huấn luyện.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Lê Anh (ngoài cùng bên trái) - chủ nhiệm đề tài giới thiệu về hiệu quả ứng dụng sản phẩm trong thực tiễn huấn luyện nhảy dù.

“Đồng chí có nhắc đến là ở nước ngoài cũng đã có hệ thống mô phỏng nhảy dù. Vậy đề tài của các đồng chí có gì ưu việt hơn?”. Giải đáp thắc mắc đó của chúng tôi, Thiếu tá Lê Anh bộc bạch: “Thứ nhất, đề tài của chúng tôi bám sát thực tế huấn luyện nhảy dù trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cụ thể là huấn luyện nhảy dù D6. Thứ hai là rèn luyện cho học viên các yếu tố về tâm lý cũng như yếu lĩnh động tác trong quá trình huấn luyện, từ đó là giảm thiểu nguy cơ có thể mất an toàn trong quá trình huấn luyện. Tiếp theo là hệ thống của chúng tôi tiết kiệm hơn hệ thống của nước ngoài. Chi phí huấn luyện cũng tiết kiệm hơn so với việc huấn luyện thực tế khi chúng ta phải sử dụng máy bay và các bộ phận bảo đảm khác để thực hiện bài huấn luyện”.

Hệ thống đã được huấn luyện thử nghiệm tại Trung tâm Quốc gia huấn luyện và tìm kiếm cứu nạn đường không, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân, được đơn vị đánh giá cao. Hệ thống cũng đã được các cấp có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng thực hiện sản xuất loạt “0” và đưa vào trang bị cho một số đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Động lực học của dù D6 dưới tác động của gió và các lực kéo của các dây lái được xây dựng trên cơ sở 3 bài báo khoa học, trong đó có một bài ISI, đã được công bố bởi các thành viên của đề tài, sau đó được cài đặt trong phần mềm mô phỏng 3D. Quá trình nghiên cứu đề tài sử dụng nhiều phần mềm tính toán, thiết kế mô phỏng hiện đại như Matlab, Ansys Fluent và công nghệ thực tại ảo 3 chiều. Hệ thống được xây dựng có tính mở, có thể nâng cấp được để phục vụ huấn luyện các loại dù cao cấp hơn. Hệ thống ứng dụng công nghệ thực tại ảo 3 chiều sử dụng kính thực tại ảo, đây đang là hướng nghiên cứu mới và có nhiều tiềm năng phát triển ứng dụng trong tương lai.

Bài, ảnh: KHÁNH MINH