Ông ĐẶNG TỰ ÂN, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Trái với quan điểm đổi mới giáo dục

 Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ở bậc tiểu học và THCS, các chuyên gia và dư luận xã hội rất đồng tình và đánh giá cao sự sáng suốt của ngành giáo dục. Tuy nhiên, thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố ở bậc THCS vẫn được các địa phương trong toàn quốc coi trọng và tổ chức thi rầm rộ hằng năm.

Giáo dục đã chuyển từ trọng tâm dạy kiến thức, chú trọng dạy chữ sang dạy học phát triển năng lực học sinh. Nếu vậy, việc quan tâm và đầu tư cho kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS ở các địa phương là trái với quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả thi học sinh giỏi chưa phải là chất lượng nhà trường hiện nay, thực chất đó là chất lượng của quá trình luyện thi khổ ải trong suốt 4 năm ở bậc học. Học sinh dù có học lực ở mức nào cũng đều bị áp lực học thi, luyện thi cho kỳ thi học sinh giỏi. Nhiều nơi lấy kết quả thi học sinh giỏi làm thước đo thành tích học tập của lớp, của trường, của huyện/quận; hằng năm tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi quá ầm ĩ và tốn kém; có nơi còn treo giải thưởng hấp dẫn cho những học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi. Cũng từ cách nghĩ cũ kỹ này, "'bệnh thành tích" trong giáo dục tiếp tục nặng thêm và ngày càng trầm kha.

Ngày nay, người ta không quá coi trọng các kỳ thi nặng về xếp hạng điểm số của thí sinh và càng không coi đó là sự phản ánh chất lượng nhà trường. Chất lượng người học phải được đánh giá thông qua học trải nghiệm, qua làm việc, qua sáng tạo và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Nên thay các kỳ thi học sinh giỏi bậc THCS ở các địa phương bằng các kỳ thi vận dụng kiến thức tích hợp vào thực tế cuộc sống, như STEM, STEAM hay các kỳ thi phát triển thể chất, đề cao tâm hồn lành mạnh, qua sinh hoạt các câu lạc bộ thơ văn, lịch sử hay văn hóa, xã hội đậm chất dân tộc Việt.

 Một tiết học của cô và trò Trường THCS Tam Thanh, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: THÙY HOÀNG

 Đại tá, TS NGUYỄN XUÂN SINH, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Tiếp tay cho bệnh thành tích

 Thi học sinh giỏi các cấp nhằm mục đích tạo ra phong trào thi đua trong học tập, phát triển năng khiếu, sở trường và năng lực cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức thi học sinh giỏi ở không ít địa phương tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; mục đích, ý nghĩa các cuộc thi học sinh giỏi dần dần bị biến tướng dẫn đến tạo áp lực không nhỏ cho giáo viên và học sinh. Đối với học sinh, vì chạy theo áp lực thành tích của kỳ thi, các em không còn đủ thời gian để học tập toàn diện, vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống... hướng tới mục tiêu phát triển đồng đều cả về thể chất và tinh thần. Học sinh chỉ học trọng tâm vào các môn được lựa chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, không để ý đến các môn học khác, từ đó dễ dẫn tới học "tủ", học lệch.

Đối với giáo viên, vì áp lực thành tích của nhà trường dẫn đến tình trạng luyện “gà nòi”, không chú ý kiến thức toàn diện. Bên cạnh đó, có giáo viên vừa tham gia ra đề thi, vừa tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa tham gia chấm thi dẫn đến tình trạng thiếu khách quan. Theo tôi, tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS không những không đáp ứng mục tiêu giáo dục mà còn gây áp lực, tốn kém, khiến cả học sinh và giáo viên luôn chạy theo thành tích.

Đồng chí PHẠM THỊ THANH HƯƠNG, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn): Để đạt thành tích cao là rất áp lực

 Là một giáo viên dạy học lâu năm rồi chuyển sang làm công tác quản lý trong ngành giáo dục tại huyện miền núi Ngân Sơn, tôi cho rằng kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS là cần thiết. Bởi kỳ thi là một trong những yếu tố để thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt-học tốt; phát huy năng lực, tư duy, năng khiếu của học sinh; thúc đẩy giáo viên đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy. Cùng với đó, thông qua kỳ thi cũng góp phần khẳng định chất lượng dạy học của giáo viên và nhà trường.

Trên địa bàn huyện Ngân Sơn hiện có 10 trường THCS, trong đó 9 trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý thì trong năm học 2022-2023, tại kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp huyện đã có 89 lượt học sinh đoạt giải; trong kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh, các em đã đoạt 28 giải. Việc có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi đã giúp học sinh và giáo viên tại các trường tự tin về chất lượng đào tạo, từ đó thêm động lực để giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, để đạt thành tích cao trong thi chọn học sinh giỏi là rất áp lực, học sinh trong đội tuyển ngoài việc học chương trình chính khóa còn phải mất nhiều thời gian để thầy cô dạy bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Thầy cô dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cũng phải chịu không ít áp lực từ lãnh đạo nhà trường là phải có học sinh đoạt giải để xem xét thi đua cuối năm...

Thầy giáo BÙI MINH TUẤN, giáo viên Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An): Bỏ kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS là phù hợp với xu thế

 Trong bối cảnh dạy và học hiện nay, việc bỏ kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS là phù hợp vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết, việc bỏ kỳ thi này làm giảm áp lực học tập đáng kể cho học sinh. Các em sẽ không còn phải tập trung học bồi dưỡng một vài môn học trong khoảng thời gian dài mệt mỏi, căng thẳng. Thay vào đó, học sinh sẽ có điều kiện học đều các môn, từ đó phát triển năng lực toàn diện bản thân. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về phía giáo viên, khi không còn phải gánh trên vai trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi, sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc bồi dưỡng, học tập, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp dạy và học. Khi kỳ thi học sinh giỏi không còn được tổ chức, áp lực về thành tích đối với các trường THCS ở kỳ thi này cũng sẽ không còn. Ban giám hiệu các nhà trường sẽ không còn phải “đau đầu” với số lượng học sinh đoạt giải, vị trí của nhà trường trong “bảng xếp hạng” về tỷ lệ học sinh giỏi so với các trường, từ đó dành thời gian tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.

 Thay vì tổ chức kỳ thi học sinh giỏi nặng nề, tốn kém, có thể tổ chức kỳ thi Olympic các môn học dành cho những học sinh có tố chất, năng lực nổi trội. Theo đó, các em được tự nguyện đăng ký dự thi mà không nhất thiết phải tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng trong thời gian dài. Điều quan trọng là, nếu được tiến hành, kỳ thi cần được tổ chức nhẹ nhàng như một “sân chơi” trí tuệ, trong đó, học sinh, giáo viên, nhà trường không phải chịu bất cứ áp lực thành tích, thi đua nào, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Cô giáo NGUYỄN THỊ LAN VÂN, giáo viên Trường THCS Chiềng Sinh, TP Sơn La (Sơn La): Cần khắc phục hạn chế, bất cập

 Trước đây, ở Sơn La, các em học sinh từ khối 6 đến khối 8 tham gia Cuộc thi “Giao lưu tài năng trẻ”; hai năm trở lại đây, các em tham gia thi chọn học sinh giỏi. Suy cho cùng thì bản chất hai cuộc thi này đều là thi học sinh giỏi cấp THCS, chỉ khác nhau tên gọi. Là giáo viên nhiều năm trực tiếp ôn luyện đội tuyển thi học sinh giỏi, bản thân tôi thấy đây là cuộc thi có những ưu điểm nhất định, như: Nâng cao trình độ cho giáo viên; khẳng định chất lượng mũi nhọn của nhà trường; phát hiện, bồi dưỡng các em học sinh có năng lực... Tuy nhiên, kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS cũng tồn tại những hạn chế cần khắc phục: Thứ nhất, trong các cuộc thi học sinh giỏi, thay vì ghi nhận thành tích của học sinh theo thang điểm thì hiện nay lại lấy theo tỷ lệ, tức là lấy từ điểm cao xuống thấp. Do vậy, việc đánh giá thành tích của học sinh không chuẩn xác ở một số môn thi. Thứ hai, đề thi thường được xây dựng bởi những giáo viên cốt cán tại các điểm trường trung tâm. Do vậy, học sinh ở các trường này thường có thành tích cao hơn so với học sinh vùng sâu, vùng xa... Theo tôi, vẫn nên tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS. Tuy nhiên, thời gian tới cần nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên để tạo ra kỳ thi công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.