PGS, TS, NGND NGUYỄN VÕ KỲ ANH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam:
Thi học sinh giỏi cấp THCS chỉ nên dừng ở mức trường
Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng, với học sinh THCS, chúng ta cần tập trung để các em học tập nâng cao năng lực, trí tuệ, phẩm chất và thể chất. Mục tiêu của giáo dục là để trang bị cho học sinh những năng lực cần thiết sao cho khi bước vào cuộc sống, dù tiếp tục học lên hay chuyển sang học nghề các em đều có thể sẵn sàng. Khi dành quá nhiều thời gian, công sức cho kỳ thi học sinh giỏi, học sinh dễ bị sao nhãng ở những kiến thức và kỹ năng khác. Vì thế, việc thi học sinh giỏi ở cấp THCS nếu có cũng chỉ nên dừng ở mức trường học để động viên các em chứ không nên tổ chức ở quy mô lớn hơn. Việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cho học sinh THCS ở ngoài cấp trường vừa mất thời gian, vừa không thực sự đem lại nhiều kết quả tác động đến sự học của toàn bộ học sinh ở cấp học này.
Có ý kiến cho rằng, các kỳ thi học sinh giỏi là để tìm kiếm và đào tạo nhân tài là chưa hoàn toàn chính xác. Nếu muốn đào tạo nhân tài cho đất nước, chúng ta nên tìm kiếm không phải qua một hay thậm chí một vài cuộc thi mà phải phát hiện năng lực của trẻ qua cả quá trình học tập, từ đó bồi dưỡng các em theo năng lực. Việc chọn người tài cho đất nước mà qua một cuộc thi thì chưa chắc đã chính xác.
 |
Một tiết học tại Trường Tiểu học và THCS FPT (TP Hà Nội). Ảnh: HUYỀN TRANG |
PGS, TS TRẦN THÀNH NAM, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Nên thay đổi cách tiếp cận về các cuộc thi học sinh giỏi
Dư luận đang ồn ào tranh luận về việc giữ hay bỏ các cuộc thi học sinh giỏi cấp THCS. Những người ủng hộ việc bỏ cuộc thi này cho rằng hệ quả tiêu cực từ cuộc thi, bệnh thành tích và thói quen luyện thi kiểu “gà nòi” đang làm cho các cuộc thi trở nên méo mó, áp lực quá mức. Cái lợi thu được chỉ là một chút thành tích của cá nhân, nhà trường, địa phương, trong khi mặt trái là áp lực tâm lý khủng khiếp lên những đứa trẻ còn non nớt cả về thể chất và tâm lý.
Điều này dẫn đến nhiều trường hợp bị rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí tự tử. Mặt khác, những em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh thì cũng không được ưu ái gì trong quá trình học tập, thi cử sau này.
Nhưng ở góc độ khác, chúng ta thấy mục đích ban đầu của những cuộc thi học sinh giỏi là để phát hiện sớm tài năng, bồi dưỡng nhân tài ở từng lĩnh vực khoa học, qua đó có chiến lược đầu tư phù hợp. Tôi không trực tiếp trả lời câu hỏi nên bỏ hay giữ kỳ thi mà mong muốn mỗi người cần tư duy về bản chất vấn đề. Ví dụ, chúng ta cần quay lại việc xác định thế nào là một nhân tài tiềm năng; đặc điểm tâm lý của các học sinh tài năng là gì? Bên cạnh việc có thành tích cao ở một lĩnh vực nhất định thì còn có các năng lực, phẩm chất nào khác? Và liệu những đề thi học sinh giỏi bây giờ có đánh giá được hết các đặc điểm của học sinh tài năng đó không? Đặc điểm nhận diện học sinh tài năng không phải là học lực mà là một tổ hợp các năng lực, phẩm chất để trí lực được ứng dụng vào cuộc sống và tạo ra các giá trị mới.
Tôi thấy rằng đề thi học sinh giỏi của chúng ta hiện nay chưa thực sự đánh giá được những phẩm chất, đặc điểm đặc trưng để phát hiện các học sinh tài năng thật. Chúng ta có thể cân nhắc bỏ các cuộc thi kiểu “chạy thành tích” nhưng vẫn cần thay đổi mục tiêu, phương pháp và công cụ đánh giá để phát hiện sớm được tiềm năng của các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ.
Cũng phải lưu ý rằng với các em học sinh tài năng, việc phát hiện càng sớm càng tốt nên nếu thay đổi được cách tiếp cận về những cuộc thi học sinh giỏi, chúng ta có thể tổ chức các hình thức sàng lọc phát hiện sớm từ bậc tiểu học. Song song với việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh tài năng, cần phải bổ khuyết những mặt yếu hay sự khiếm khuyết chức năng để các học sinh này được phát triển toàn diện.
----------
Thầy giáo VÕ THÀNH TÂM, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Cần Thơ:
Tham gia trên tinh thần tự nguyện
Thời gian qua, Trường THCS Lương Thế Vinh luôn chú ý đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khuyến khích các em học tập, phát huy năng lực, tư vấn tuyển sinh vào trường THPT chuyên... nhằm góp phần bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhà trường giao nhiệm vụ cho tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng lực và giới thiệu cho giáo viên lớp liền sau.
Bên cạnh đó, nhà trường thành lập các câu lạc bộ môn học để tạo sân chơi cho các em. Việc đăng ký tham gia thi học sinh giỏi các cấp trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh, các em phải hoàn thành chương trình ở mức độ khá (học sinh tiên tiến trở lên).
Trước xu hướng hội nhập, sự phát triển của xã hội, định hướng và phân luồng học sinh đòi hỏi cơ sở giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, việc dạy học, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng lực là nhiệm vụ của nhà trường. Vì vậy, theo tôi, nên tiếp tục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi. Qua đó, giáo viên, nhà trường phát hiện được học sinh có năng lực để bồi dưỡng, bản thân các em cũng sẽ nhìn ra được những ưu điểm, hạn chế của mình để phát huy, phấn đấu, khắc phục.
----------
Thầy giáo TRẦN HỮU TUYẾT, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Hà Long, TP Tân An (Long An):
Giảm áp lực để kỳ thi là “sân chơi” của học sinh
Để giảm áp lực của kỳ thi học sinh giỏi, theo tôi cần chú ý hai vấn đề sau: Thứ nhất, hãy hỏi ý kiến từng học sinh và để các em được thi đúng môn mình yêu thích. Thứ hai, nhà trường, thầy cô, phụ huynh không nên đặt chỉ tiêu phải có giải với các em; việc chúng ta cần làm là hướng dẫn, khích lệ, động viên và chăm lo để các em học tập tốt, có thể trạng, tinh thần khỏe mạnh.
Ở trường chúng tôi, để thành lập đội tuyển thi học sinh giỏi, giáo viên có nhiệm vụ phát hiện học sinh có năng lực, hỏi ý kiến, nguyện vọng của các em chứ không ép các em tham gia. Một số ý kiến cho rằng, lớp 9 là năm cuối cấp, không nên tổ chức thi học sinh giỏi vì có giải các em cũng không được cộng điểm trong kỳ thi vào THPT, bỏ kỳ thi này để các em tập trung thi THPT cho tốt.
Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ việc thi học sinh giỏi vì qua kỳ thi mới phân hóa được học sinh và khuyến khích, động viên các em có năng khiếu, nguyện vọng học chuyên sâu, làm tiền đề, động lực cho cấp học cao hơn. Thực tế, việc xếp loại học lực như hiện nay vẫn chưa được cụ thể, chưa phân loại được các em có năng lực nổi bật ở từng lĩnh vực riêng. Vấn đề cần thay đổi là phụ huynh, thầy cô không nên tạo áp lực, đặt gánh nặng phải có giải lên các em để biến kỳ thi học sinh giỏi thành “sân chơi” của các em học sinh.
----------
Cô giáo NGUYỄN THỊ THU THỦY, Trường THCS Lạc Long Quân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk):
Thi nhưng không đặt nặng thành tích
Lâu nay chúng ta vẫn duy trì kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS với hầu hết môn học chính khóa. Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà kỳ thi mang lại như khuyến khích phong trào thi đua học tập của các em học sinh; định hướng cho các em trong việc chọn những lĩnh vực mà mình có thế mạnh ở những bậc học tiếp theo... Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS cũng làm phát sinh những vấn đề bất cập. Đó là tạo thêm áp lực cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh; phát sinh chi phí trong việc mua sắm tài liệu, dụng cụ học tập, thi cử, bồi dưỡng, đi lại, sinh hoạt trong thời gian thi...
Nhất là đối với những học sinh mong muốn có kết quả cao trong kỳ thi thì việc đầu tư cho học thêm, cả về thời gian và chi phí càng nhiều. Trên cương vị vừa là giáo viên THCS và cũng là phụ huynh có con tham gia đội tuyển học sinh giỏi của một trường THCS ở địa bàn miền núi, tôi cho rằng vẫn nên tiếp tục duy trì kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS, bởi kỳ thi đã và đang khơi dậy tinh thần thi đua học tập trong học sinh.
Qua kỳ thi cũng giúp các em phát huy tố chất để xác định đúng những môn học có thế mạnh trong những cấp học tiếp theo, thậm chí là định hướng nghề nghiệp khi trưởng thành. Tuy nhiên, điểm lưu ý là cần tránh các biểu hiện "bệnh thành tích", khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập như quá đề cao kỳ thi, đầu tư quá nhiều thời gian, công sức, chi phí... để rồi tạo ra một kỳ thi nặng nề, căng thẳng. Chúng ta nên hướng tới một kỳ thi nhẹ nhàng hơn.