Thầy giáo NGUYỄN QUỐC KHÁNH, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phú Lũng, huyện Yên Minh (Hà Giang):

Không nên lấy làm tiêu chí thi đua giữa các trường

Kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS được tổ chức nhằm phát triển năng lực cá nhân, bồi dưỡng học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn bậc THPT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cách thức tổ chức cũng như việc chạy theo thành tích đã khiến kỳ thi trở thành gánh nặng áp lực của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Trước khi làm công tác quản lý, tôi cũng đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh đi thi học sinh giỏi. Tôi thấy, để đạt được thành tích trong kỳ thi, học sinh rất vất vả, áp lực. Các em trong đội tuyển ngoài việc học chương trình chính khóa còn phải mất thời gian 3-6 tháng để thầy cô bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Nhận thức của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những hạn chế nhất định nên việc dạy và bồi dưỡng còn vất vả hơn. Không biết từ bao giờ, kết quả thi học sinh giỏi đã trở thành tiêu chí thi đua giữa các trường, khiến thầy cô dạy bồi dưỡng chịu nhiều áp lực phải có học sinh đoạt giải để xét thi đua cuối năm. Nếu không có học sinh đoạt giải, giáo viên sẽ bị xem là dạy không tốt, uy tín giảm sút, mặc cảm với đồng nghiệp...

Hiện nay không còn việc cộng điểm cho học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS trong tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Do vậy, nhiều học sinh cũng không còn mặn mà, không có động lực để tham gia thi học sinh giỏi nữa. Theo tôi, nếu vẫn áp dụng cách thức tổ chức như hiện nay thì không nên tổ chức thi học sinh giỏi, vì thực tế không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục mà chỉ "tiếp tay" cho việc dạy thêm, học thêm. Nếu vẫn tổ chức, hãy để học sinh tự nguyện, tự học, không ôn thi, không luyện thi. Kết quả của kỳ thi học sinh giỏi cũng không nên dùng làm tiêu chí thi đua giữa các trường.

leftcenterrightdel
 Giờ giải lao của học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: THÚY AN 

 

Cô giáo NGÔ THỊ VÂN, giáo viên Trường THCS Yên Lộc, huyện Kim Sơn (Ninh Bình):

Kỳ thi nặng nề và không cần thiết

Tôi có nhiều năm dạy ôn đội tuyển học sinh giỏi cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nên hiểu rõ áp lực mà học sinh, thầy cô phải gánh chịu, như bài viết trên Báo Quân đội nhân dân đã chỉ ra. Năm học 2022-2023, tôi có 10 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện và 3 học sinh giỏi cấp tỉnh. Quả thật, nếu muốn luyện thi học sinh giỏi thì giáo viên phải luyện như kiểu luyện “gà nòi”. Kiến thức bậc THCS có tính nền tảng, trong khi đó, đề thi học sinh giỏi chỉ tập trung vào độ khó và nội dung kiến thức lại rất xa vời. Có những đề thi vô cùng khó, mang tính chất đánh đố, cả hội đồng giáo viên phải chật vật mới có thể giải được. Nếu cứ thi theo kiểu này thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chúng ta đang triển khai với nhiều kỳ vọng sẽ không có gì khác so với chương trình cũ. Đã đổi mới về chương trình, đổi mới cách tiếp cận, mục tiêu, cách đánh giá, vậy tại sao không đổi mới vấn đề thi học sinh giỏi? Kỳ thi học sinh giỏi ở cấp THPT thì hợp lý hơn vì cấp học này định hướng nghề nghiệp, mang tính học thuật cao hơn.

Dù Sở Giáo dục và Đào tạo không căn cứ vào tiêu chí số lượng học sinh giỏi để đánh giá chất lượng nhà trường nhưng ở cấp phòng giáo dục và đào tạo thì đó là căn cứ để xếp loại các trường, thế nên đứng giữa "dòng nước" thi cử, dù không muốn, nhiều giáo viên vẫn bị cuốn theo. Tôi thấy rằng kỳ thi này thực sự nặng nề và không cần thiết. Với cấp THCS, các em nên tham gia những sân chơi tuổi thơ mang tính xã hội hóa, như: Toán Timo, Trạng nguyên tuổi 14-15, cuộc thi Olympic... do các đơn vị bên ngoài tổ chức trên tinh thần đam mê, tự nguyện, nhẹ nhàng, đúng với kiến thức được học trên lớp và gắn với thực tế cuộc sống, không đề cao thành tích, để kiến thức thu được thực sự hữu ích, giúp các em "vừa học vừa chơi", rèn luyện kỹ năng sống, sự tự tin...

------------------

Cô giáo PHẠM THỊ THU HẰNG, Trường THCS Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh):

Khắc phục bất cập, tiếp tục duy trì

Là giáo viên nhiều năm trực tiếp ôn luyện đội tuyển thi học sinh giỏi, bản thân tôi thấy đây là cuộc thi có nhiều ưu điểm, như: Nâng cao trình độ cho giáo viên, khẳng định chất lượng mũi nhọn của nhà trường, thể hiện sự đầu tư của phụ huynh cho giáo dục... Để bồi dưỡng được học sinh đoạt giải đòi hỏi người thầy ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản còn phải trau dồi chuyên môn thông qua việc đọc nhiều tài liệu, mở rộng vốn kiến thức qua các kênh thông tin, giúp học sinh tìm ra "chìa khóa" để mở kho tàng kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải là người biết khơi lên ngọn lửa đam mê, sự yêu thích môn học đối với học sinh, biết lựa chọn đúng nhân tố để rèn luyện, mài giũa giúp học sinh tiến bộ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và khích lệ các em kịp thời.

Song song với những ưu điểm trên, kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS còn tồn tại một số điểm hạn chế, cần khắc phục: Thứ nhất là không có quy định, chế độ đãi ngộ rõ ràng cho giáo viên giảng dạy, trong khi thời gian để ôn luyện cho đối tượng học sinh giỏi tốn nhiều công sức và không phải giáo viên nào cũng có khả năng thực hiện. Thứ hai, áp lực về thành tích, thi đua khiến giáo viên luôn phải "gồng mình", thậm chí phải hy sinh thời gian dành cho gia đình để bồi dưỡng học sinh. Thứ ba, nhiều học sinh và phụ huynh có tâm lý chỉ lựa chọn học, thi các "môn chính" như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, khiến những môn còn lại ít học sinh tham gia. Thứ tư, đề thi học sinh giỏi luôn có sự thay đổi về cấu trúc nhưng lại không có những buổi tập huấn chuyên sâu về nội dung khiến cho giáo viên và học sinh khó tiếp cận với hình thức ra đề. Thứ năm, cần cử giáo viên từ các trường khác để chấm chéo, tránh tình trạng trường nào có giáo viên đi chấm, trường đó sẽ có nhiều giải cao... Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS là chủ trương hay, từ cuộc thi này sẽ phát hiện ra nhiều nhân tố, làm tiền đề tham dự cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Học sinh được rèn luyện kỹ năng, được nâng cao, mở rộng vốn tri thức. Tuy nhiên, cần khắc phục những hạn chế trên để kỳ thi mang lại hiệu quả và đạt chất lượng cao hơn.

------------------

Anh NGUYỄN QUỐC HƯNG, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội):

Như một "sàn thi đấu" áp lực

Là một phụ huynh có con đang học cấp THCS, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm xem xét bỏ kỳ thi học sinh giỏi ở cấp học này. Thứ nhất, ở lứa tuổi này, học sinh đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, cần được quan tâm, chăm sóc và tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, kỳ thi học sinh giỏi lại đặt ra cho học sinh mục tiêu phải đoạt giải, khiến các em phải dành nhiều thời gian và công sức cho việc học tập, ôn luyện, dẫn đến bị căng thẳng, mệt mỏi, chán nản. Thứ hai, kỳ thi học sinh giỏi khiến học sinh bị so sánh, ganh đua với nhau. Việc so sánh thành tích giữa các học sinh khiến các em trở nên tự ti, mặc cảm nếu không đạt thành tích cao. Điều này có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như bỏ học, sử dụng chất kích thích... Thứ ba, hiện nay học sinh đang chịu áp lực rất lớn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc có thêm một kỳ thi nữa như kỳ thi học sinh giỏi chỉ khiến học sinh mất thời gian, không tập trung học được các môn học khác phục vụ cho kỳ thi. Một vấn đề nữa là cách tổ chức ôn luyện, thi như hiện nay khiến kỳ thi học sinh giỏi dường như đã trở thành “sàn thi đấu” rất áp lực. Thay vì thi học sinh giỏi, nên nghiên cứu tổ chức những cuộc thi kiến thức một cách nhẹ nhàng, thiết thực để khuyến khích học sinh học tập, phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, sở trường của bản thân.