Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc):

Nhiều ưu điểm nhưng cũng còn vấn đề đặt ra

Hiện nay, huyện Sông Lô cũng như nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS. Thực tế những năm qua, tôi nhận thấy kỳ thi này có cả ưu điểm và những vấn đề đặt ra. Ưu điểm của kỳ thi là qua công tác bồi dưỡng học sinh giỏi góp phần tạo ra động lực và không khí thi đua dạy tốt-học tốt cho đội ngũ nhà giáo và học sinh; là tiền đề quan trọng phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm mục đích phát hiện, tuyển chọn các em học sinh có tố chất để bồi dưỡng, phát triển năng lực, giúp học sinh phát huy thế mạnh của bản thân để có định hướng đúng trong tương lai.

leftcenterrightdel
Một tiết học của cô và trò Trường THCS - THPT Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: VÕ VĂN TIẾN

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, kỳ thi cũng còn những hạn chế, những vấn đề cần quan tâm, như nếu nhận thức sai mục đích, ý nghĩa của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, quá nặng về thành tích thì sẽ tạo ra áp lực không cần thiết, làm thui chột khả năng, thậm chí gây ra những vấn đề tâm lý tiêu cực cho đội ngũ giáo viên và học sinh.

Nếu việc đánh giá, tuyển chọn học sinh giỏi không khách quan, không chính xác sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Ngoài ra, nếu việc phân bổ chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi không khoa học sẽ ảnh hưởng lớn đến chương trình giáo dục chung, gây nên tình trạng học lệch, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện...

Giải quyết, khắc phục được những hạn chế, những vấn đề nêu trên thì việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS mới mang lại hiệu quả, khi đó, việc tổ chức kỳ thi mới thực sự ý nghĩa.

--------------------

Cô giáo ĐÀM THỊ HOA, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế):

Phát huy vai trò đội ngũ giáo viên

Kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS hay THPT được tổ chức nhằm phát hiện cá nhân có năng khiếu ở các môn học, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, động viên, khuyến khích các em học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, góp phần bồi dưỡng nhân tài. Đây là một trong những phong trào thi đua dạy tốt-học tốt trong các nhà trường phổ thông, khẳng định thành tích đào tạo chất lượng cao của nhà trường.

Muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi; vai trò của người thầy trong phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi là hết sức quan trọng. Bởi vậy, việc tổ chức thi học sinh giỏi là dịp để đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy. Người giáo viên trước hết phải có ý thức tích cực, tự giác trau dồi, tích lũy kiến thức, hiểu sâu vấn đề mà mình giảng dạy; thường xuyên tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp; phải biết “truyền lửa” cho học sinh, tạo cho các em niềm say mê và hứng thú với môn học, tinh thần ham học hỏi, tìm tòi.

Trong quá trình giảng dạy, cần khuyến khích các em suy nghĩ, có những lời giải sáng tạo. Giáo viên cũng cần quan tâm tới điều kiện, hoàn cảnh gia đình, phương pháp, quá trình tự học của học sinh, coi việc tự học của học sinh là yếu tố quan trọng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh cách sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý và hiệu quả, hài hòa giữa học tập và nghỉ ngơi, giải trí.

Sau mỗi kỳ thi, dù đạt kết quả nào, giáo viên nên khuyến khích các em viết ra suy nghĩ của mình về nguyên nhân thành công/thất bại, đề ra phương hướng, kế hoạch và mục tiêu cho những lần thi sau để tạo động lực phấn đấu... Bên cạnh đó, kỳ thi cũng có mặt hạn chế, cần khắc phục, như: Nhiều học sinh chỉ chú tâm cho môn học mà mình lựa chọn để thi. Có những em đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia nhưng sau này lại làm việc trái ngành, gây lãng phí...

-----------------

Cô giáo TRƯƠNG THỤY THIÊN HƯƠNG, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Ninh Kiều, Cần Thơ):

Vẫn nên tổ chức thi học sinh giỏi

Thi học sinh giỏi đã có truyền thống từ rất lâu. Theo quan điểm của tôi thì đây là hoạt động tốt cho cả giáo viên và học sinh. Về phía giáo viên, khi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ phải nghiên cứu sâu hơn, từ đó có thêm nhiều kiến thức mới để truyền tải cho học sinh. Còn với học sinh, các em sẽ được nâng cao trình độ, kiến thức, tạo nền tảng để thi vào các trường chuyên, lớp chọn... Ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm, để có được một học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi, hạn chế áp lực, luôn có sự phối hợp của cha mẹ, học sinh và nhà trường.

Cha mẹ cần nhìn thấy năng lực của con mình; bản thân các em học sinh cũng cần biết khả năng của mình đến đâu. Đối với nhà trường, trước khi vào đội tuyển để bồi dưỡng học sinh giỏi, đại diện ban giám hiệu sẽ trực tiếp trao đổi với giáo viên đứng lớp xem khả năng của học sinh đó như thế nào, nguyện vọng của học sinh ra sao và trao đổi với cha mẹ để có hướng bồi dưỡng cho các em. Nếu trong quá trình học tập, bồi dưỡng, các em thấy mình không thể tải hết lượng kiến thức hay có vấn đề về sức khỏe... thì sẽ dừng lại. Nhà trường, giáo viên không tạo áp lực cho các em, luôn quan tâm bố trí thời gian hợp lý nhất cho các em ôn luyện, đặc biệt là các em không phải tốn bất kỳ khoản chi phí nào.

-----------------

Chị TRẦN THU HÀ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội:

Không đặt nặng thành tích, nên coi là sân chơi

Mặc dù từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở cấp học THCS, nhưng con gái tôi vẫn thi “khảo sát” và theo học chuyên Sử tại một trường THCS điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và trình độ giáo viên của trường rất tốt nên tôi động viên con theo học. Kết thúc năm học lớp 6, cô giáo đề nghị tôi sang năm học mới cho con tham gia ôn luyện để thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Lịch sử.

Vậy là trước khi nghỉ hè, cô giáo giao cho cháu một xấp đề, yêu cầu phải làm hết. Cả mùa hè năm đó, con tôi hầu như không được yên tâm vui chơi mà phải tập trung ôn tập, làm cả nhà căng thẳng theo. Kết quả, cháu đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố nhưng bản thân không thật sự vui vẻ và hào hứng. Năm học này, cháu lại tiếp tục được chọn đi thi học sinh giỏi, tôi đã xin lỗi cô giáo và không cho con tham gia. Cô giáo nhiều lần động viên cho con đi thi do có tư duy tốt, chắc chắn sẽ có giải. Nhưng đối với gia đình tôi, điều quan trọng nhất là con đi học vui vẻ, sức khỏe tốt, học được nhiều kỹ năng sống và được trải nghiệm cuộc sống.

Theo tôi, kỳ thi học sinh giỏi sẽ có ý nghĩa hơn nếu đó thực sự là một sân chơi thể hiện đam mê học tập của các con, không đặt nặng thành tích, giúp các con phát hiện năng lực bản thân, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng...

---------------

Em DƯƠNG TRẦN HÀ VY, Trường THCS An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ):

Em quyết định không tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quận

Em tham gia luyện thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9. Tuy nhiên, chuẩn bị cho kỳ thi cấp quận thì em xin rút. Với em, cái được của việc tham gia luyện thi học sinh giỏi là được thầy cô truyền đạt nhiều kiến thức, học hỏi thêm từ những bạn giỏi, tạo nền tảng cho kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, thời gian ôn luyện rất nhiều. Em phải học 2 buổi/ngày. Lượng kiến thức nhiều nên các buổi tối và cả những ngày cuối tuần, em đều phải học thêm và ôn bài thầy, cô giao... Cũng chính vì vậy mà nhiều môn học khác sẽ không được đầu tư, gây ra tình trạng học lệch.

Thế nhưng, ôn luyện là một chuyện, thi đậu lại là chuyện khác, bởi kỳ thi học sinh giỏi có tính cạnh tranh gay gắt giữa các trường; số lượng học sinh đoạt giải cũng chỉ dao động khoảng 25-30% số học sinh tham dự. Ví như môn Ngữ văn, thi cấp trường, lớp em có 10 bạn tham gia, nhưng chỉ một mình em đậu... Em quyết định không tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quận để giảm áp lực và đầu tư học đều các môn.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.