QĐND - Trong chương trình “Đối thoại chính sách” phát trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào trung tuần tháng Tám, nguyên Bộ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển có đề cập đến câu chuyện đã là lãnh đạo, ai cũng muốn tạo dấu ấn của mình đối với sự phát triển của ngành, địa phương. Vấn đề là, theo ông, tạo dấu ấn nhằm mục đích gì, làm thế nào và không phải bằng mọi giá. Tôi rất tán thành với quan điểm của ông và nhận thấy, ông là một trong những đồng chí lãnh đạo qua thực tế công tác nhiều năm của mình hoàn toàn có đủ kinh nghiệm và vị thế để bàn luận, đánh giá về vấn đề đó.
 |
Ảnh minh họa/Internet
|
Tôi nhớ, lần gặp ông trong giai đoạn ông được Trung ương điều từ cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trong hoàn cảnh tỉnh đang có một số khó khăn. Thời gian ấy, cán bộ và người dân ở đây đã chứng kiến ông tự mình đi chợ; đi chợ để mua thực phẩm nấu ăn nhưng chính là để hiểu biết thêm đời sống nhân dân. Lần ấy, tôi cùng nhà thơ Trần Anh Thái đến thăm ông ngay tại căn hộ vừa làm việc, vừa ở của ông trong khu Văn phòng Tỉnh ủy. Vừa chỉ đạo một cán bộ văn phòng soạn thảo văn bản gì đó ở phòng làm việc, ông vừa tranh thủ ra phòng khách tiếp chúng tôi. Ông lôi trong gầm tủ mấy quả dứa bảo chúng tôi gọt và kể: “Dân miền tây tỉnh cho đấy. Đến tận nơi mới được dân kể cho nghe nhiều chuyện cán bộ mình làm dở, làm sai”. Nhiều chuyến thâm nhập thực tế, nhiều cuộc vi hành đã giúp ông cùng Tỉnh ủy Nghệ An có những quyết định đúng và trúng trong các công tác cán bộ, tổ chức thực hiện ở các cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Sau này, trở lại cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển tiếp tục làm được nhiều việc có hiệu quả. Trong đó, chắc ai cũng nhớ, ông trực tiếp ngồi bàn đàm phán nhiều ngày đêm căng thẳng để Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp nhận kết nạp Việt Nam vào tổ chức này…
Kể qua về một vị lãnh đạo để thấy muốn tạo được dấu ấn, người đó phải phấn đấu gian nan, kiên trì, phải có tinh thần chịu trách nhiệm và phương pháp làm việc khoa học, thực tế… Trong khi đó, tiếc thay, lại có không ít vị lãnh đạo các cấp do chủ quan, duy ý chí, nóng vội, thiếu tính toán, và nhiều trường hợp có cả sự lợi dụng ăn chia, tham nhũng, nên đã để lại những “dấu ấn lãng phí” trên nhiều vùng đất. Dấu ấn dễ nhìn, dễ thấy nhất là những công trình kinh tế-xã hội, vậy nên lãnh đạo nào cũng muốn thể hiện, ưu tiên cho việc này. Có những nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị, khu tái định cư, ngôi chợ, con đường, cây cầu… xây dựng xong bỏ hoang hoặc hiệu quả sử dụng rất thấp. Có vị lãnh đạo cố xin Nhà nước máy cày, máy ủi đưa về một huyện vùng cao để mau chóng “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”. Kết quả là chẳng bao lâu, máy móc đó đã bị xếp xó cạnh rừng. Có lãnh đạo tỉnh này, huyện kia quyết xây khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu cửa khẩu, con đường “chiến lược” cùng những dự án “chuyển dịch cơ cấu”, “đổi thay quê hương”… nhưng ích nước, lợi dân chưa thấy mà chỉ rõ nợ chồng thêm nợ. Có các vị lãnh đạo, chỉ huy xin tiền trên, dốc cả quỹ xã hội địa phương, đầu tư xây dựng nhà văn hóa thật to, khai trương xong để đấy, ít lâu trở thành kho đựng lúa gạo, phân bón, thuốc trừ sâu... Có những vị huy động cả quỹ vốn của đơn vị xây dựng đội văn nghệ, thể thao kiểu "cây nhà lá chợ" để đi thi thố đây đó, "gặt hái huy chương", lấy thanh lấy thế để rồi phong trào ở cơ sở hụt hẫng...
Đúng là lãnh đạo, chỉ huy phải tạo được dấu ấn, làm nên sự đổi thay, để lại tiếng thơm. Đúng là làm việc gì có lợi cho dân thì làm. Nhưng trước hết mục đích, cách làm và hiệu quả cuối cùng phải được xác định, tính toán trước sau rõ ràng. Có vô vàn câu hỏi phải trả lời trước khi "quyết tạo dựng dấu ấn". Vì lợi ích bộ phận, tạm thời trước mắt hay toàn cục, cơ bản, lâu dài? Vì lợi ích cục bộ, địa phương hay phù hợp, hài hòa với lợi ích chung của vùng miền, quốc gia? Tạo dấu ấn bằng cách nào, giá nào? Có minh bạch, dân chủ, công khai, có sự đồng thuận trong cán bộ, có được lòng dân?...
Thực tế, lối tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, duy ý chí vẫn tồn tại trong cách nghĩ, cách làm của nhiều cán bộ ta. Điều đó càng đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy mọi cấp đều phải có những kế hoạch được xây dựng khoa học, thực tế, hội tụ và phát huy được những yếu tố về con người, kỹ thuật, nguồn lực, sáng kiến trong, ngoài.
Và cuối cùng, muốn tạo dấu ấn tích cực thành công phải có quyết tâm lớn, tinh thần trách nhiệm cao; và luôn nhớ "quyết tâm một, biện pháp mười".
Mạnh Hùng