Quốc hội nước ta ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, là thành quả, biểu tượng cao quý của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước - nơi hội tụ, lan tỏa ý chí, niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân và của dân tộc ta. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng khoa Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Đặng Minh Tuấn, xin ông cho biết đôi nét về sự hình thành và phát triển của Quốc hội trên thế giới và nước ta?

PGS, TS Đặng Minh Tuấn: Ngay từ thời kỳ cổ đại đã ra đời những cơ quan do người dân bầu ra để thay mặt họ giải quyết các công việc cộng đồng và xã hội. Tuy vậy, khi đó những người được đi bầu cử và những người được bầu cử đều phải là những người có của hoặc phải là những người cầm vũ khí. Nhưng với nghĩa là nghị viện như ngày nay thì chỉ có từ chủ nghĩa tư bản, hay nói một cách cụ thể hơn từ khi có cách mạng tư sản. Trong cuộc đấu tranh chống lại nhà nước chuyên chế phong kiến, giai cấp tư sản đã đạt được sự hạn chế quyền lực của vương triều bằng sự thành lập một cơ quan gọi là nghị viện tồn tại bên cạnh nhà vua hoặc thành lập một chế độ cộng hòa thừa nhận các quyền của các công dân.

Trong thời kỳ này, việc tăng cường quyền hạn của nghị viện trở thành một đòi hỏi dân chủ của mọi người dân Anh. Những đòi hỏi tăng cường quyền hạn của nghị viện đồng thời là những biện pháp (yêu cầu) hạn chế quyền lực phong kiến đã hết thời. Lúc này câu hỏi "Nghị viện có quyền được làm tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà" đã trở thành một câu ngạn ngữ của người Anh. Tuy vậy, vị trí, vai trò của nghị viện đã bị thách thức và suy giảm trong thời kỳ chủ nghĩa lũng loạn nhà nước của chủ nghĩa đế quốc. Sau thời kỳ này, cùng với sự cải tổ của chủ nghĩa tư bản, nghị viện cùng các thiết chế quyền lực nhà nước được cải cách dựa trên nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm nghị viện thực hiện đầy đủ chức năng đại diện, lập pháp và giám sát. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, quốc hội có một vị trí đặc biệt với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đặng Minh Tuấn. 

Ở Việt Nam, lý tưởng dân quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lọc từ những giá trị mà nhân loại đạt được trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến quân chủ, chuyên chế. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), một trong những công việc khẩn cấp Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phải tập trung giải quyết là vấn đề bầu cử Quốc hội. Người nói: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Theo quan điểm của Người, sau khi giành được quyền lực bằng một cuộc tổng khởi nghĩa thì hình thức pháp lý tốt nhất để thể hiện quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân chỉ có thể thông qua một bản Hiến pháp do Quốc hội ban hành. Một chính phủ muốn có đủ tư cách pháp lý để điều hành đất nước và tham gia các quan hệ pháp luật quốc tế chỉ có thể là Chính phủ của toàn dân do Quốc hội bầu ra. Có thể nói, việc thành lập Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là kết quả tất yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân. Và đó cũng là sự vận dụng có tính sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh về cơ quan đại diện trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

PV: Quốc hội nước ta là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điều đó có gì khác so với quốc hội ở các chính thể nhà nước khác?

PGS, TS Đặng Minh Tuấn: Hầu hết các chính thể nhà nước đương đại được tổ chức dựa theo nguyên tắc phân quyền đảm bảo các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân định và kiểm soát lẫn nhau. Mức độ phân quyền khác nhau dẫn đến vị trí khác nhau của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, tuy vậy nhìn xu hướng là bảo đảm cân bằng quyền lực giữa các cơ quan này, hay nói cách khác nghị viện không được coi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mà quyền lực của nghị viện được xác định là cơ quan đại diện, lập pháp và giám sát. Nghị viện cũng như bất cứ thiết chế nào cũng phải chịu sự kiểm soát quyền lực của các cơ quan bảo vệ hiến pháp. Ngày nay, các quốc gia đã và đang tiến hành các cải cách hiến pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nghị viện trong các hệ thống chính trị và dân chủ. Nghị viện được coi là biểu tượng của nền dân chủ, thực hiện quyền lập pháp - một trong những quyền lực quan trọng nhất của nhà nước, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hành pháp.

leftcenterrightdel

Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, trong đó Quốc hội là cơ quan thể hiện cao nhất, tập trung nhất ý chí của nhân dân. Vị trí pháp lý của Quốc hội trước hết thể hiện Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Xét ở phương diện dân chủ, không có cơ quan nhà nước nào có tính đại diện cao hơn Quốc hội, trong khi xét ở phương diện quyền lực nhà nước, không có cơ quan nhà nước nào có quyền lực cao hơn Quốc hội.

Vị trí tối cao của Quốc hội thể hiện đặc điểm cơ bản trong tổ chức Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội có vị trí pháp lý đặc biệt như vậy bởi vì Quốc hội là cơ quan Nhà nước duy nhất do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra. Bầu cử ĐBQH là kết quả lựa chọn thống nhất của nhân dân cả nước. Quốc hội bao gồm những đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta, đại diện cho trí tuệ của đất nước.

Trong truyền thống tổ chức Nhà nước XHCN, Quốc hội được xác định có vị trí “trội” so với các cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, phù hợp với chính sách Đổi mới, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng phải có sự phân công, phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhu cầu giám sát Quốc hội cũng bắt đầu được đặt ra.

PV: Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước cần được hiểu như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Đặng Minh Tuấn: Quốc hội là cơ quan duy nhất do người dân toàn quốc bầu ra, do vậy Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Không những vậy, Quốc hội còn được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Không những được trao quyền lập pháp, Quốc hội còn có quyền lập hiến - quyền làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước - quyền quyết định các chủ trương, chính sách và những vấn đề mang tính chất quốc kế dân sinh. Còn trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, Quốc hội có vị trí đặc biệt trong vai trò giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Dù có một vị trí hiến định đặc biệt như vậy, Quốc hội không phải là một cơ quan toàn quyền, không thể làm tất cả mà chỉ quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Xác định Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn. Một là, Quốc hội không bị sa đà tranh luận giải quyết những vấn đề ít quan trọng, làm tầm thường hoá vai trò của cơ quan đại diện. Hai là, Quốc hội không thể là cơ quan quá tập quyền, mà ngược lại cũng phải có sự phân công và chịu sự giám sát.

PV: Theo ông, từ khi được thành lập đến nay Quốc hội nước ta đã phát huy vai trò như thế nào?

PGS, TS Đặng Minh Tuấn: Có thể thấy, kể từ khi ra đời tới nay, Quốc hội ta đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước, với dân tộc. Trong những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, ngày càng thể hiện rõ tính dân chủ và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Tất cả các vấn đề lớn thuộc mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... của đất nước đều được Quốc hội thảo luận và quyết nghị. Với tính chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, vì vậy, tất cả chủ trương, đường lối của Đảng muốn đi vào đời sống, để toàn dân nghiêm túc thực hiện thì đều phải được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật.

Công tác lập pháp của Quốc hội được thực hiện theo những quy trình rất chặt chẽ, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Quốc hội làm việc theo chế độ nghị trường và quyết định theo đa số. Các dự án luật muốn trình ra Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua thì cơ quan soạn thảo trình Chính phủ cho ý kiến, rồi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội, nếu không đạt phải tiếp tục chỉnh sửa. Khi dự án luật trình ra Quốc hội, cùng với tờ trình của Chính phủ thì phải kèm theo báo cáo thẩm tra của cơ quan thuộc Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến trên tinh thần dân chủ, công khai, theo quy trình thảo luận ở tổ, rồi thảo luận tại hội trường, được cơ quan báo chí truyền thông phản ảnh minh bạch. Để tăng tốc độ xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thông thường một dự án luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 2 kỳ họp. Tuy nhiên, với những dự án luật quan trọng, nhạy cảm thì Quốc hội có thể xem xét, cho ý kiến trong 3 kỳ họp. Có những dự án luật phải được chỉnh sửa nhiều lần mới hoàn chỉnh để được Quốc hội thông qua. Điều này cho thấy, vai trò lập pháp của Quốc hội là rất rõ ràng, và ý kiến của các đại biểu Quốc hội là rất quan trọng.

Không khí dân chủ, cởi mở của Quốc hội, vai trò của các đại biểu Quốc hội càng được thể hiện rõ trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Người được chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép trả lời bằng văn bản.

Các nội dung bàn về kinh tế-xã hội và đặc biệt là các phiên chất vấn trong những kỳ họp của Quốc hội ngày càng sôi nổi, được phát thanh-truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm theo dõi, đánh giá, góp ý của cử tri và nhân dân cả nước. Việc tranh luận được khuyến khích khiến vấn đề chất vấn được làm rõ ràng hơn, nhất là các mặt hạn chế, trách nhiệm cán bộ và nêu rõ giải pháp. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về nội dung này, từ đó có cơ sở để theo dõi vấn đề đã được đặt ra và giám sát lời hứa hẹn của những người trả lời chất vấn. Việc Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, khiến cho những người giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn luôn phải nỗ lực thể hiện rõ trách nhiệm của mình, không thể lơ là.

Vai trò quan trọng của Quốc hội thể hiện qua việc các chương trình, kế hoạch quan trọng là “xương sống” hoạt động của Nhà nước như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, các kế hoạch đầu tư công... phải được Quốc hội thông qua mới có thể triển khai thực hiện. Cùng với việc quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực trong bộ máy hành chính Nhà nước nói chung, Quốc hội cũng rất quyết liệt chống tiêu cực trong đội ngũ của mình. Việc gương mẫu xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của các đại biểu Quốc hội, cho thấy hiệu lực của Quốc hội không chỉ từ vai trò, chức năng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật mà còn từ phẩm chất, tư cách và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN