Vậy nên, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hội nghị lịch sử

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021 đã được tập hợp trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Bài viết không những là cẩm nang cho những người làm công tác đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ về đường lối đối ngoại của nước ta qua hình ảnh cây tre.

Hội nghị ngày 14-12-2021 có ý nghĩa lịch sử, bởi đây là hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Tại các hội nghị đối ngoại trước đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều tham dự, phát biểu chỉ đạo. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc Bộ Chính trị và Ban Bí thư lần đầu trực tiếp tổ chức hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra khí thế và quyết tâm mới trong toàn hệ thống chính trị và với mỗi cá nhân trong hoạt động đối ngoại. Khí thế và quyết tâm đó là thực sự cần thiết để trên dưới đồng lòng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng xác định trong Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, cũng như thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Chiến lược, chủ trương, đường lối đều được xác định rõ ràng nhưng việc linh hoạt thực hiện để bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường là một thách thức lớn. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ trong thời gian tới: "Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp...". Khó khăn trước mắt còn nhiều nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước, bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền ngoại giao Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, xây dựng được bản lĩnh và đã hình thành được một trường phái riêng-trường phái “cây tre Việt Nam”-mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết.

Gốc vững, thân chắc

Cây tre Việt Nam sinh sôi, bám chắc ở mọi vùng đất, từ đất phù sa tới những nơi cằn cỗi, khắc nghiệt. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” bén rễ từ nền văn hóa Việt Nam với truyền thống hòa hiếu nhưng cũng rất quật cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta.

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, đưa đất nước tới hòa bình, phát triển. Với sự đóng góp của ngành ngoại giao, chúng ta đã cho nhân dân thế giới thấy một Việt Nam với khát vọng hòa bình, kiên cường, bất khuất đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước phát triển.

Đó là khởi điểm của quá trình hình thành, phát triển của nền ngoại giao Việt Nam từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, lập nước, hình thành nên trường phái ngoại giao của Việt Nam. Tới nay, “gốc tre” của ngoại giao Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung đã bén rễ, vươn cành vững chắc hơn với những thành quả thật đáng tự hào, bất chấp giông tố của thời cuộc.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh, hiện nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), trong đó 3 nước có "quan hệ đặc biệt", 17 nước "đối tác chiến lược" và 13 nước "đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Trong đó, Đảng ta đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng.

Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Hoạt động đối ngoại của Chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hữu nghị của nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, quảng bá sâu rộng công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” cũng được thể hiện rõ nét trong công tác đối ngoại quốc phòng. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ngày 28-9-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của quân đội trong công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, khẳng định lĩnh vực này đã trở thành một trong những trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối ngoại quốc phòng đã làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước láng giềng, cân bằng quan hệ với các nước lớn và giữ vững quan hệ với các nước bạn bè truyền thống; chủ động tham gia các diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương; phối hợp, tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta và Quân đội ta trên trường quốc tế, nhất là trong khối ASEAN.

Tuy mới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2014, tới nay tổng cộng đã có 61 lượt sĩ quan cá nhân tham gia các vị trí sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu được cử tới Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 8 nữ quân nhân. Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam có 3 sĩ quan đang làm việc tại trụ sở LHQ. Việt Nam đã cử 3 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan và đang làm công tác chuẩn bị để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 thứ 4 trong năm 2022 và đội công binh theo kế hoạch của LHQ. Sự tham gia tích cực của Quân đội nhân dân Việt Nam vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ được bạn bè quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.

“Gốc tre” ngoại giao Việt Nam đã bám chắc một cách chiến lược để hoàn thành các nhiệm vụ mà các kỳ đại hội Đảng đề ra. “Thân tre” Việt Nam đã vươn cao vững chắc để thế giới thấy một Việt Nam phát triển vì hòa bình, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, và “tỏa bóng mát” vì sự phát triển chung của nhân loại.

Cành uyển chuyển, linh hoạt

Khi gốc tre tượng trưng cho sự vững chắc, “dĩ bất biến” trong khẳng định và bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc thì cành tre uyển chuyển, linh hoạt để “ứng vạn biến” cũng không nằm ngoài mục đích đó. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” không phải “gió chiều nào nghiêng chiều ấy” mà có lúc “nên lũy, nên thành” kiên quyết, kiên trì bảo vệ lẽ phải, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, có khi mềm mại, uyển chuyển “lấy nhu khắc cương” để đạt được mục đích của mình.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có lúc “vừa đánh, vừa đàm” của ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã chứng tỏ một Việt Nam anh dũng nhưng cũng rất mềm mỏng, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, buộc đối phương phải ngồi vào đàm phán và ký kết các hiệp định dẫn đến hòa bình. Bối cảnh khu vực, thế giới luôn thay đổi, khó dự báo nhưng lợi ích quốc gia-dân tộc là điều không thể thay đổi hay từ bỏ. Sự kiên trì nhưng linh hoạt của các nhà ngoại giao Việt Nam trong nhiều năm qua đã giúp mang lại sự ổn định, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội. 

Sự uyển chuyển, linh hoạt trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán không chỉ giúp bảo vệ biên giới, chủ quyền bằng biện pháp hòa bình mà còn nâng cao hình ảnh quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...

Nếu trước đây, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến chiến tranh thì ngày nay, với sự tham gia tích cực và chủ động của Việt Nam vào các diễn đàn đa phương, các cơ chế của LHQ như Hội đồng Bảo an LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ... chứng tỏ Việt Nam thực sự là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Mối quan hệ giữa đối nội và đối ngoại là quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau như hai cánh của một con chim.

Khi trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” chủ động tiên phong, cánh chim hòa bình Việt Nam sẽ tiếp tục bay cao, bay xa, lợi ích quốc gia-dân tộc sẽ được bảo đảm để nước ta hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí  Minh.

Nhóm PV Báo QĐND