Thông điệp của Đoàn Việt Nam tại Geneva

Từ ngày 7 đến 8-7-2025, tại Geneva (Thụy Sĩ), Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn đã tham gia Phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

 Đoàn Việt Nam tại phiên đối thoại về quyền con người tại Geneva.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, tại phiên đối thoại này, Đoàn Việt Nam đã đưa ra thông điệp rõ ràng để khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Việt Nam với phương châm đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã và luôn dành những nguồn lực tốt nhất, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy, đảm bảo thực thi một cách tốt nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị theo Công ước ICCPR.

Thông điệp của Đoàn Việt Nam tại Geneva, theo chúng tôi là rất rõ ràng và có bằng chứng thuyết phục. Đây là quan điểm, chủ trương, đường lối xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bôn ba tìm đường cứu nước luôn mang trong mình khát khao giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân, phong kiến, để người dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền con người, như quyền được sống tự do, hạnh phúc, quyền phổ thông đầu phiếu, quyền làm chủ đất nước…

 Tổ dân cư 17, phường Ô Chợ Dừa, thành phố Hà Nội, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về văn hóa cơ sở. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Đoàn Việt Nam tham gia phiên đối thoại với tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác, xây dựng. Bên cạnh việc chuyển tải thông điệp, thông tin chân thực, toàn diện về bức tranh toàn cảnh việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam, Đoàn đã thẳng thắn đối thoại, không né tránh với những vấn đề được đề cập chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình thực hiện quyền con người tại Việt Nam. Đồng thời, Đoàn cũng nêu cao tinh thần cầu thị, cởi mở tiếp thu để thúc đẩy bảo vệ, thực thi tốt hơn nữa quyền con người tại Việt Nam.

Hành động cụ thể từ Hiến pháp năm 2013

Trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh dẫn quy định tại Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời, Hiến pháp cũng yêu cầu mọi người phải tôn trọng quyền của người khác, việc thực hiện quyền không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền hợp pháp của người khác.

Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế. 

Về các hành động cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã thông qua hàng loạt Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị đã và đang dốc sức thực hiện nhằm nâng cao mức sống, điều kiện phát triển toàn diện cho người dân. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

 Quân đội tham gia hướng dẫn nhân dân Tây Nguyên phát triển kinh tế. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ba đột phá trong những năm gần đây và thời gian tới

Việt Nam đã và đang thực hiện 3 hướng đột phá để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc bảo vệ, thực hiện quyền con người tại Việt Nam.

Đột phá về thể chế, chỉ trong vài năm, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 150 luật và nghị quyết, trong đó nhiều văn bản tác động trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị như: Luật trợ giúp pháp lý, quyền tiếp cận thông tin, quyền bình đẳng, quyền tiếp cận công lý.

Đột phá về thi hành pháp luật, Chính phủ đã phê duyệt nhiều kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị từ phiên đối thoại năm 2019. Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả chính quyền địa phương – những cấp trực tiếp phục vụ người dân.

Cổng pháp luật quốc gia, hệ thống công bố bản án công khai, xét xử trực tuyến, miễn học phí phổ thông, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh vùng khó khăn… là những minh chứng cụ thể cho việc quyền con người đang ngày càng hiện diện thực chất trong đời sống xã hội.

Đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm về y tế. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Đột phá về nhận thức, Việt Nam đang tập trung nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ và người dân. Trong đó, cải cách tư pháp, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông xã hội là những kênh chủ lực để chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể.

Sau phiên đối thoại, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành sẽ trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện ICCPR giai đoạn mới. Thông tin này cho thấy rất rõ một Việt Nam cởi mở, chân thành và luôn tìm mọi cách để bảo đảm, bảo vệ và thực thi tốt nhất mọi quyền con người. Bởi, bảo đảm, bảo vệ và thực thi tốt nhất mọi quyền con người luôn luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.