Nghị quyết nêu rõ: Phân công, điều chỉnh việc phân công Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, dự án, dự thảo khác phù hợp với lĩnh vực phụ trách của từng cơ quan, trừ trường hợp do Quốc hội quyết định.

Ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động khác của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quy định về thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; chỉ đạo ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Quang cảnh Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: qdnd.vn

Theo Nghị quyết, Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Phiên họp thường kỳ; Phiên họp chuyên đề; Phiên họp khác.

Phiên họp thường kỳ được bắt đầu vào ngày 10 hằng tháng; trường hợp ngày 10 của tháng trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày bắt đầu phiên họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bắt đầu phiên họp vào thời gian khác do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Phiên họp chuyên đề, phiên họp khác được tổ chức theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian bắt đầu phiên họp do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Về Chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết quy định: Việc dự kiến chương trình và quyết định triệu tập phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Tổ chức Quốc hội. Việc dự kiến chương trình và quyết định triệu tập phiên họp khác do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo đề nghị của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình phiên họp.

Cơ quan trình, cơ quan thẩm tra dự án, dự thảo, đề án, báo cáo gửi bản điện tử và 3 bản giấy các loại tài liệu phiên họp đến Văn phòng Quốc hội để gửi đến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp tài liệu phiên họp thuộc bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian gửi tài liệu, Nghị quyết quy định: Đối với phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề, cơ quan trình gửi tài liệu đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; gửi tài liệu đến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thời hạn quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với phiên họp khác, cơ quan trình gửi tài liệu đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 5 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp; gửi tài liệu đến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 2 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.

Thời gian gửi tài liệu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và công tác nhân sự do Chủ tịch Quốc hội quyết định; thời gian gửi tài liệu về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội theo quy định tại Quy chế này.

* Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng ký ban hành Nghị quyết số 91/2025/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 ngày 14-2-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn một số điều khoản của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 gồm: Tên gọi của Chương IV; Điều 11; thay cụm từ tại một số điều khoản, mẫu của Phụ lục; bổ sung, bỏ cụm từ tại một số điều khoản, mẫu của Phụ lục; bổ sung mẫu 2a tại văn bản đính kèm Nghị quyết này vào sau mẫu 2 của Phụ lục.

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.