Theo báo cáo của Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực. 

Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. 

Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm hơn 91% tổng số lao động có việc làm.

Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10-2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo kết quả giám sát.

Đối với một số vấn đề đặt ra, Đoàn Giám sát cho biết, trước yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư”. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, cơ sở thực hành còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả. 

Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục còn có bất cập. Chiến lược đầu tư phát triển giáo dục đại học chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách xã hội hóa giáo dục chưa đạt hiệu quả cao; kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việc thực thi chính sách tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính còn bất cập. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới.

Quang cảnh phiên họp. 

Đoàn Giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện; xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Dân số, Luật Viên chức, xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển. 

Cùng với đó, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng.

Đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh phổ thông. Phát triển các trung tâm hướng nghiệp tại trường học và cộng đồng, cung cấp thông tin về cơ hội việc làm và ngành nghề tương lai. 

Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án đã ban hành về phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bố trí đủ tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo. Giải quyết hiệu quả tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là ở các ngành, nghề, lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới cần ưu tiên. Tiếp tục thực hiện triệt để và có hiệu quả các quy định về tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách, chế độ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.