Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết những kết quả chính đạt được tại các hội nghị lần này? 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: HNNG 31 diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt là ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức. Do đó, hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt cả về nội dung và bối cảnh tổ chức, đánh dấu một giai đoạn kế thừa và phát triển mới của ngoại giao Việt Nam. Sau 9 phiên họp, HNNG 31 đã thành công tốt đẹp với 5 kết quả chính: 

Thứ nhất, kết quả tổng thể, có ý nghĩa bao trùm, quyết định, đó là hội nghị đã quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối, phương hướng, phương châm, các biện pháp đối ngoại mà Đại hội XIII đã đề ra và những chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Hội nghị cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Trên cơ sở đó, hội nghị tạo được “thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động”. Tinh thần chung nổi lên là: Tình hình thế giới có nhiều thay đổi; đất nước ta đang có vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế thuận lợi mới, đứng trước yêu cầu và mục tiêu phát triển mới đến năm 2025, 2030 và đến giữa thế kỷ này.

Do đó, yêu cầu mới đặt ra cho đối ngoại và hội nhập quốc tế (HNQT) sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai.

Thứ hai, hội nghị đã quán triệt sâu sắc 5 bài học lớn về đối ngoại được tổng kết trong 76 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và trong 35 năm đổi mới. Các bài học này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị đối ngoại toàn quốc.

Đó là: (i) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; (ii) Kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; (iii) Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; (iv) Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; (v) Bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Thứ ba, hội nghị đạt được sự thống nhất cao trong phương hướng triển khai các quan điểm mới về đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra và 6 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cho các cơ quan làm đối ngoại trong cả nước.

Đó là quan điểm mới về “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực HNQT toàn diện, sâu rộng”. Đó là quan điểm mới về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Đó là quan điểm mới về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Thứ tư, hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết và chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể, trong đó tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần “ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim”, “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, như Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; thúc đẩy luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ...

Thứ năm, hội nghị đã lan tỏa không khí phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn ngành ngoại giao và các lực lượng làm đối ngoại cả nước.

PV: HNNV 20 đã tập trung thảo luận về việc “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và HNQT của địa phương”. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ như thế nào cho công tác đối ngoại và HNQT của các địa phương trên cả nước?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: HNNV 20 diễn ra thành công, hiệu quả với nhiều kết quả cụ thể. Đã có gần 40 tham luận, trao đổi, ý kiến tương tác tại hội nghị với rất nhiều bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và những đề xuất, giải pháp để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và HNQT của các địa phương trong thời gian tới.

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao và kết quả của HNNV 20, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực HNQT toàn diện, sâu rộng, trong đó địa phương là một chủ thể quan trọng.

Cụ thể: Một là, đẩy mạnh và phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế trong đối ngoại địa phương. Hỗ trợ địa phương tích cực chủ động tham gia vào công cuộc “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thích ứng với tình hình mới, thúc đẩy phục hồi toàn diện. 

Hai là, thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện tại nước ngoài, tăng cường hỗ trợ các địa phương trong thu hút các nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững. 

Ba là, hỗ trợ tham vấn cho các địa phương về mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với sự phát triển của quốc tế và thế mạnh của từng địa phương như kinh tế “xanh”, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... 

Bốn là, bảo đảm sự toàn diện của đối ngoại địa phương thông qua đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao. 

Năm là, tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và HNQT cho cán bộ đối ngoại địa phương; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của địa phương trong triển khai công tác đối ngoại.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHƯƠNG VŨ (ghi)