Đồng chí VƯƠNG HỒNG THÁI, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An): Xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bác Hồ

Nam Đàn là huyện có truyền thống cách mạng, là một trong 4 huyện của cả nước được lựa chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 4-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy truyền thống và những tiềm năng, lợi thế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Đàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi nhiều khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành đề án huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, văn hóa, du lịch.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Nam Đàn đã huy động được hơn 15.957 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần tích cực tạo sự đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, 100% tuyến đường huyện, xã đã được trải nhựa, bê tông hóa; tỷ lệ đường trục xóm được bê tông hóa là hơn 98%; hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn được đầu tư khang trang... Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thương hiệu sản phẩm phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP.

Nửa nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 8,94%/năm; huyện đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với 18 dự án với tổng vốn hơn 3.336 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... Nam Đàn phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

leftcenterrightdel
 Du khách nghe giới thiệu về lán Nà Nưa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: HỒNG SÁNG

Đồng chí HOÀNG ĐỨC SOÀI, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang): Tân Trào đang đổi thay từng ngày

Xã Tân Trào là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám. Những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp. Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích nông thôn mới năm 2014. Hiện nay, 100% đường liên thôn, 60% đường nội đồng của xã đã được cứng hóa, riêng đường trục xã được đầu tư rộng 4 làn xe, tạo thuận lợi trong giao thương, du lịch... Xã Tân Trào cũng không còn nhà tạm, nhà dột nát, hơn 80% hộ dân có mức sống từ trung bình trở lên; thu nhập bình quân đạt 52,5 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, dự án Khu nghỉ dưỡng Flamingo Tân Trào kết hợp với các hoạt động du lịch: Lịch sử, văn hóa, tâm linh, trải nghiệm, sinh thái... đang được đầu tư tại Tân Trào. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giúp diện mạo xã ngày càng thay đổi, người dân có thêm cơ hội để phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

-------------------

Đại tá NGUYỄN CÔNG KHUÊ, Chính ủy Sư đoàn 3 (Quân khu 1): Xứng đáng là đơn vị ra đời vào ngày 2-9

Là đơn vị vinh dự ra đời vào ngày kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1965, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng quang vinh, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ. Điểm nổi bật là Sư đoàn đã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình: “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”, “Tổ tư vấn, tâm lý pháp luật”, “Mỗi tuần một điều luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Lá thư từ Sư đoàn 3-Sao Vàng”, “Tổ 3 người cùng tiến”... Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy cho bộ đội.

Bên cạnh đó, nhằm nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các đơn vị thuộc Sư đoàn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn đơn vị đóng quân. Năm 2023, Sư đoàn tiếp nhận và tổ chức huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ mới. Qua kiểm tra kết quả huấn luyện, tuyệt đại đa số chiến sĩ mới đều nắm chắc các nội dung học tập, huấn luyện, 100% nội dung đạt khá, giỏi.

-------------------

Thiếu tá NGÔ VĂN PHƯƠNG, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu): Giữ vững chủ quyền an ninh biên giới

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quân và dân ta; về nghĩa vụ, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ... Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo vệ biên giới, Đồn đã tập trung làm tốt công tác bám nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình nội biên, ngoại biên, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với cấp trên về chủ trương, giải pháp trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đơn vị luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến, khả năng cơ động của bộ đội. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, bám sát địa bàn, tuần tra bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu vực biên giới, đồng thời phối hợp với các lực lượng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn... Ngoài ra, Đồn còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác củng cố, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn và các chương trình, đề án giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.

------------------------

Anh HỒ KHÁNH, bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Ơn Đảng, ơn Bác, ơn Bộ đội Cụ Hồ

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cái nghèo, cái đói bủa vây người Bru-Vân Kiều. Cách mạng Tháng Tám thành công, có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, người Bru-Vân Kiều nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung mới được quan tâm, chăm lo, bản làng từng bước đổi thay, đời sống của bà con ngày càng no đủ. Hiện nay, người Bru-Vân Kiều chúng tôi đã biết trồng rừng, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nhiều gia đình trong bản có 3-5ha cây keo, nuôi hàng chục con lợn, trâu, bò, hàng trăm con gia cầm...

Hầu hết các hộ dân đã có xe máy để đi lại, có ti vi để xem, các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học đều được đến trường, không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc nữa. Có được điều này, người Bru-Vân Kiều ơn Đảng, ơn Bác Hồ và bộ đội nhiều lắm. Như tháng 7 vừa qua, trong chuyến hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, bộ đội Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã giúp chúng tôi làm cầu, sửa chữa nhà cửa, trường học, làm nhà vệ sinh, làm đường bê tông, nạo vét kênh mương và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con... Những việc làm thiết thực này càng củng cố lòng tin của người Bru-Vân Kiều vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết tình quân-dân cá nước.

QĐND