Cùng với đoàn sinh viên của Khoa Di sản văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tham quan di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại phường Vạn Phúc, Khánh Linh rất háo hức. Đúng dịp Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức trưng bày bổ sung “Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946”, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và chào Xuân mới 2023, Khánh Linh và nhiều người dân, du khách được chiêm ngưỡng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mới sưu tầm bổ sung cho di tích. “Với phương pháp trưng bày kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tôn trọng yếu tố gốc cấu thành di tích, khiến những người trẻ như chúng em khi tới đây dễ dàng tiếp thu và tìm hiểu về câu chuyện, thông điệp của tài liệu, hiện vật cũng như giá trị của những di sản thời đại Hồ Chí Minh”, Khánh Linh bày tỏ.

leftcenterrightdel
  Du khách tham quan di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Vạn Phúc.

Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại phường Vạn Phúc là một trong 14 địa điểm thuộc hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1975, hiện do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý.

Chủ của ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Dương làm nghề dệt lụa, nhà xây hai tầng năm 1941-1942, được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy 3 gian, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền; dãy bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp nhân dân, khách trong nước và ngoài nước tới thăm; dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Vạn Phúc.

Tầng hai, trưng bày phục nguyên như khi Bác ở và làm việc. Căn phòng nhỏ bên trái có diện tích chưa đầy 12m2 vẫn còn đó chiếc giường gỗ dẻ quạt đơn sơ Bác nằm, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ. Kề bên giường là bàn làm việc, chân con tiện, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 

Hơn 70 năm trải qua những biến động lịch sử, căn phòng nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn được giữ gìn, bảo vệ tốt các di vật căn phòng còn ấm hơi Người. Trong lần trưng bày này, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã bổ sung trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 100 tài liệu, hiện vật Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong thời gian Người ở và làm việc tại Vạn Phúc; hiện vật liên quan đến gia đình ông Nguyễn Văn Dương; về truyền thống yêu nước, cách mạng, nghề làm thuốc bắc lâu đời của gia đình ông Nguyễn Văn Dương-vừa để khám, chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng, vừa là nơi các cán bộ cách mạng ngụy trang che mắt địch lấy cớ đến khám, chữa bệnh để hội họp giao nhận thông tin liên lạc.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động, triển lãm tại di tích lịch sử này nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần tôn vinh, tri ân những cống hiến, đóng góp của nhân dân đối với cách mạng; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa trọng đại của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bài và ảnh: PHẠM THỦY