Làng lụa Vạn Phúc. ảnh: Internet

Từ khi mới ra đời, lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng thước vải. Vì vậy, không phải vô cớ mà lụa Vạn Phúc thường xuyên được dùng cung tiến cho các vua quan để may phẩm phục. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn trụ vững trong suốt 10 thế kỷ qua.

Dệt lụa Vạn Phúc theo lối truyền thống được thao tác bằng tay. Kén tằm được luộc kỹ và đánh thành các con tơ, mỗi con tơ nặng chừng 2-3 lạng, phân theo ba loại, tùy vào chất lượng của các con tơ. Tơ đẹp phải là tơ có sợi nhỏ đều, bóng và chắc, không bị xơ, soi lên dưới ánh mặt trời thấy sợi trong, không gợn vẩn. Sau khi tơ đã phân loại kỹ lưỡng được guồng thành ống tơ. Thông thường người thợ dệt chọn đủ 100 ống tơ mắc vào trục để tạo thành một hàng dọc (dài chừng 100m) rồi đem trải rộng ngoài trời nắng và phết hồ tạo cho sợi có độ cứng, dễ dệt. Sau khi hồ đã khô đều, người thợ dệt mắc trục dọc vào khung dệt rồi luồn các sợi ngang. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Bởi đây chính là giai đoạn quyết định đến vẻ đẹp của vuông vải, thể hiện bằng những hoa văn được tạo trên nền vải, sự đều đặn của từng sợi tơ đan cài vào nhau. Theo cách dệt thủ công, để tạo được một tấm vải lụa có hoa văn, người thợ thường phải mất rất nhiều thời gian, có khi hoa văn không đều do các sợi dồn không kỹ, chỗ thưa, chỗ mau. Vuông vải lỗi thường phải đem bán tống với giá rẻ, thành thử người thợ có muốn lấy công làm lãi cũng chưa chắc ăn.

Nhiều chục năm trở lại đây, người thợ dệt Vạn Phúc đã đỡ vất vả đi nhiều nhờ có máy dệt, vì thế, việc tạo nên các họa tiết trên nền vải lụa đơn giản, đẹp và nhanh hơn rất nhiều. Để tạo nên các mẫu hoa văn, người thợ dệt Vạn Phúc còn biết ứng dụng công nghệ điện tử để phục vụ cho mình. Hoa văn được thiết kế trên máy vi tính, đa dạng và thường xuyên thay đổi theo xu hướng của người tiêu dùng. Sau đó nhờ vào hệ thống trục dọc, trục ngang thiết kế trên thân máy, người thợ tính toán bố trí điểm rơi của các họa tiết thông qua những tấm các-tông đục sẵn lỗ để mắc sợi. Thông thường, muốn tạo một vuông vải, trên máy dệt được bố trí 900 chiếc kim dọc và 900 chiếc kim ngang. Khi máy được cắm điện, những chiếc kim này đan xen nhau nhịp nhàng, từng dòng vải óng ả, mềm mại chảy ra dưới thân máy.

Tấm vải hoàn thành được chuyển tiếp sang giai đoạn nhuộm màu. Công đoạn này được phân làm hai loại: nhuộm cả tấm và nhuộm sợi trước khi dệt (thường dùng với hàng lụa cao cấp, đòi hỏi sự tinh xảo và màu sắc đa dạng). Yếu tố quyết định sự thành công của việc nhuộm vải là vấn đề pha chế nước nhuộm. Đây là bí quyết của từng gia đình. Nước nhuộm tốt phải làm cho vải vẫn giữ được độ mềm, bóng; màu ăn đều trên vải và giặt không bị phai, không bị bạc dưới trời nắng.

Lụa Vạn Phúc có điểm kỳ lạ là: mặc mùa hạ thì mát, mùa đông thì ấm. Vì vậy quanh năm khách đến mua lụa tấp nập. Con đường dẫn vào làng hơi khuất so với quốc lộ chạy qua thị xã Hà Đông nhưng không vì thế mà khách xa không quẹo tay lái, tạt vào thử xem. Và rồi cầm lòng không đặng thì mua một vuông vải dành tặng người thân.

Người Vạn Phúc không chỉ chân chỉ với nghề dệt truyền thống mà còn tỏ ra rất nhạy bén với cơ chế thị trường. Với họ, dệt lụa là kế sinh nhai và cũng là nét văn hóa đặc sắc. Bởi vậy, ông bà cha mẹ rất chú trọng việc truyền nghề cho con cháu. Trẻ chừng hơn 10 tuổi đã có thể đứng máy mà không cảm thấy ngỡ ngàng. Sản phẩm lụa ngày càng được đa dạng cả về mẫu mã, cả về chất liệu truyền thống. Bên cạnh chất liệu tơ tằm, sản phẩm lụa Vạn Phúc còn sử dụng thêm chất liệu tơ hóa học (tơ bóng-dệt sợi ngang) giúp cho họa tiết trên thân vải được nổi rõ, khi may sẽ làm tôn đường cong trên cơ thể.

Dệt Vạn Phúc mang tính chất hộ gia đình song ý thức cộng đồng của người Vạn Phúc vẫn rất được đề cao. Mới đây, Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã được thành lập. Hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên, song một nội dung chính luôn được nhấn mạnh trong quy chế Hiệp hội đó là việc bảo đảm chất lượng sản phẩm lụa Vạn Phúc. Bởi với nghề dệt lụa Vạn Phúc, đây là yếu tố sống còn của làng nghề, không thể để cho việc chạy theo lợi nhuận làm sút giảm chất lượng mặt hàng, ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề, sắp tới, xã Vạn phúc còn dành chừng 30ha quy hoạch riêng cho các xưởng dệt hoạt động, giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước thải từ phẩm nhuộm đã kéo dài trong làng nhiều năm qua. Vạn Phúc đang vươn mình cùng thời đại.

Đến Vạn Phúc, tôi bỗng bắt gặp những người con gái đẹp đến lạ lùng. Không biết có phải do đất đai màu mỡ, do dòng sông Nhuệ mát lành khéo nuôi dưỡng, hay bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông mà sao tôi cứ thấy nao lòng…

Ghi chép của DIỆP THẢO