Những người lính “vạch nhiễu tìm thù”

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã tìm gặp 2 cựu chiến binh là bộ đội chiến đấu thuộc Trung đoàn 291 anh hùng, Binh chủng Ra-đa, (hiện nay thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân). Đó là Đại tá Đỗ Mạnh Hiến, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), quê huyện Ứng Hòa (Hà Nội) và cựu chiến binh Đồng Văn Định, quê Hưng Yên, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, Đại tá Đỗ Mạnh Hiến (áo trắng) và cựu chiến binh Đồng Văn Định.

Đại tá Đỗ Mạnh Hiến cho biết, 50 năm trước ở thời điểm đó, Trung đoàn 291 (Binh chủng Ra-đa) có nhiệm vụ phát hiện tín hiệu mục tiêu B-52, cảnh giới kiêm dẫn đường ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bảo đảm cho các Sư đoàn Phòng không 361, 363, 367, Sư đoàn Tên lửa 369, các lực lượng phòng không Quân khu 3 cùng với Trung đoàn Ra-đa 293 tiêu diệt địch, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Trung đoàn còn là đơn vị trung gian, có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển giao tin tình báo về máy bay B-52 giữa Trung đoàn 290 ở nam Quân khu 4 với Trung đoàn 292, 293 ở ngoài vĩ tuyến 20.

“Nhiệm vụ của Binh chủng Ra-đa là trực ban chiến đấu suốt ngày đêm. Vì vậy, chúng tôi lúc nào cũng phải nêu cao cảnh giác, sẵn sàng phát hiện mọi phương tiện tập kích bằng đường không của địch, bảo đảm cho lực lượng phòng không của ta tiêu diệt địch. Có thể nói, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho thắng lợi của quân đội trong chiến dịch 12 ngày đêm ở Hà Nội năm 1972”, Đại tá Đỗ Mạnh Hiến chia sẻ.

Tháng 10-1972, Đảng ủy Binh chủng Ra-đa họp bất thường, chỉ rõ: Toàn Binh chủng phải cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, chiến đấu giỏi, chủ động phát hiện tốt các loại máy bay địch ở mọi tầng, mọi hướng, phục vụ cho hỏa lực đánh thắng ngay từ trận đầu, không để bị bất ngờ.

Tháng 11-1972, Bộ tư lệnh Binh chủng điều Trung đoàn 291 từ Thanh Hóa vào Đô Lương (Nghệ An), mục đích với địa hình là vị trí trung tâm của trường ra-đa khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn lãnh đạo, nắm chắc vai trò chiến lược tới 2 đại đội chủ công là 45 và 16, để nâng cao khả năng cảnh giới từ xa cho Hà Nội.

Nhận định về Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, cựu chiến binh Đồng Văn Định cho biết: “Đó là cuộc chiến tranh điện tử, quân đội Mỹ dùng rất nhiều máy bay B-52 để đánh Hà Nội, muốn đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá. Máy bay B-52 cũng như các máy bay bảo vệ có thể tung rất nhiều dây kim loại làm nhiễu quân ta, làm cho ra-đa của ta không bắt được B-52. Nhưng bộ đội ra-đa của ta có tài “vạch nhiễu tìm thù”. Các trắc thủ rất giỏi, khi bật ra-đa dò tìm nhiễu là phát hiện được chính xác máy bay B-52, chứ không dò theo dải nhiễu. 

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Đồng Văn Định. 

Cựu chiến binh Đồng Văn Định kể thêm: “Hôm ấy, vào lúc 21 giờ 44 phút ngày 22-11-1972, nhận được tình báo trực tiếp của Đại đội 45, hai Tiểu đoàn 43 và 44, Trung đoàn tên lửa 263 đã phóng 4 quả đạn bắn rơi 1 chiếc B-52 ở biên giới Lào – Thái Lan. Trong quá trình chiến đấu, giữa lúc bom B-52 xé không khí bay qua trận địa và nổ ngay chân đồi Si, Đại tá Đỗ Mạnh Hiến (khi đó là Trung úy, Chính trị viên Đại đội 45) đã đứng giữa sở chỉ huy nửa nổi, nửa chìm động viên bộ đội. Tất cả kíp ban ở sở chỉ huy và trên các đài ra-đa đều giữ vững vị trí chiến đấu tiếp tục làm nhiệm vụ. Thời điểm này, ra-đa giúp cho bộ đội tên lửa phòng không lần đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, đó là chiến công xuất sắc của Đại đội 45. Quyết tâm của Trung đoàn 291 là “Chống nhiễu tốt, xác định được tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng”; “phát hiện B-52 từ xa” và “nâng cao hiệu suất phát hiện B-52, kiên quyết không để lọt B-52 khi chúng đánh phá ngoài vĩ tuyến 20…”.

Ngày 15-12-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ ra lệnh cho các đơn vị chuyển vào trạng thái chiến đấu cấp 1. Bộ tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho bộ đội ra-đa phải phát hiện, thông báo mục tiêu xa, chuẩn xác bảo đảm cho các lực lượng phòng không bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B-52.

Chiến công thầm lặng

Ngày 18-12-1972, nhận được tin tình báo của Trung đoàn 291 về vị trí máy bay B-52 của địch, giữa lúc tất cả các đài ra-đa đang mở máy của 2 Trung đoàn 292, 293 bị nhiễu nặng, không có tin tình báo B-52, Tham mưu phó Binh chủng trực tiếp hỏi lại Trung đoàn trưởng Trung đoàn ra-đa 291 và đại đội trưởng Đại đội 45: “Có đúng là B-52 không? Có đúng B-52 bay vào miền Bắc?”.

Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hiến bồi hồi: “Khi đó chúng tôi rất lo lắng, vì đối với các trắc thủ trong cả chiến dịch, ngày đầu tiên là ngày quan trọng nhất, nhầm lẫn lúc này là gây ra hậu quả tai hại, có tội với đất nước… Cũng may, do trình độ phát hiện mục tiêu của bộ đội tại các đơn vị rất tin cậy, nhất là ở đài II.35 Đại đội 45, nên đồng chí Tham mưu phó Trung đoàn báo cáo dứt khoát: Đúng là B-52 đang vượt vĩ tuyến 20, có khả năng B-52 vào đánh Hà Nội. Lập tức, Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho các lực lượng PK-KQ chuẩn bị đánh B-52, bảo vệ thủ đô Hà Nội.

leftcenterrightdel
Bộ đội Tên lửa phòng không trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu 

20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 đã phóng 2 quả đạn vào tốp B-52 có ký hiệu 671 đang bay từ Tam Đảo vào đánh Đông Anh (Hà Nội), bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở Phủ Lỗ, huyện Kim Anh.

Cựu chiến binh Đồng Văn Định nhớ lại: “Trong ngày đầu của trận chiến, bộ đội ra-đa chúng tôi, trong đó Đại đội 45 làm nòng cốt đã phát hiện và khẳng định 30 lần chiếc B-52 và 20 lần máy bay chiến thuật vào đánh Hà Nội. Do được báo động B-52 sớm, các lực lượng PK-KQ ở khu vực Hà Nội đã chuyển cấp chiến đấu kịp thời, tập trung hỏa lực đánh địch quyết liệt”.

Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở Thanh Oai (Hà Tây)… Thời điểm trước đó, câu hỏi phân vân nhất là có phải B-52 đang đánh vào Hà Nội hay không? Và bằng vào kinh nghiệm chiến đấu của mình, đồng chí trắc thủ Nghiêm Đình Tích (khi ấy là thượng sĩ) khẳng định B-52 vào đánh Hà Nội. Sau khi chắc chắn thông tin, niềm vui sướng lớn nhất trong sở chỉ huy chúng tôi là được nghe thông báo: Hà Nội đã bắn rơi B-52 tại Phủ Lỗ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Sở chỉ huy Trung đoàn và Đại đội 45, Đại đội 16 khi đó vô cùng phấn khởi vì đã giải được bài toán băn khoăn: Liệu có đúng B-52 hay không? Giờ đây đã được giải đáp. Chúng tôi được phong anh hùng có lẽ cũng vì câu nói: “B-52 vào đánh Hà Nội rồi!”. Vì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, không để Tổ quốc bị bất ngờ, thậm chí từ lúc thông báo cho tới khi phát hiện chính xác B-52 là khoảng thời gian tận 45 phút để các lực lượng kịp thời chuẩn bị ứng phó… 

leftcenterrightdel
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 82 - đơn vị đã bắn rơi máy bay B-52 tại chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967. Ảnh tư liệu 

Như vậy ngay trong trận đầu tiên, đêm đầu tiên của chiến dịch phòng không, bộ đội ra-đa, trong đó Trung đoàn 291 làm nòng cốt đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội. Kết thúc chiến dịch phòng không 12 ngày đêm, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đánh giá: Bộ đội ra-đa đã chủ động phát hiện và xác định B-52 ngay từ trận đầu, đêm đầu của chiến dịch tập kích đường không chiến lược của địch. Trong tổng số 165 lần tốp B-52 đánh phá miền Bắc, Trung đoàn 291 đã phát hiện được 151 lần tốp, đạt 91,6%. Trong tổng số 17 trận tập kích đường không bằng máy bay B-52, Trung đoàn 291 đều chủ động phát hiện từ xa, báo động cho các lực lượng phòng không Hà Nội, Hải Phòng chuyển cấp chiến đấu sớm từ 30 đến 60 phút. 

Nổi bật trong chiến công của Trung đoàn 291 là Đại đội Ra-đa 45 của Chính trị viên Đỗ Mạnh Hiến. Đó là một tập thể cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, được tôi luyện, trưởng thành và đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ. 

Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hiến chia sẻ: “Điều làm chúng tôi tự hào là bảo đảm ra-đa kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho các lực lượng PK-KQ chiến đấu dũng cảm, đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã đi qua 50 năm, nhưng sự hy sinh thầm lặng của những người lính ra-đa như Đỗ Mạnh Hiến, Đồng Văn Định và những người đồng đội, đồng chí của hai ông vẫn luôn ngời sáng.

Cựu chiến binh Đỗ Mạnh Hiến và Đồng Văn Định chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thế hệ sau, phát huy được truyền thống của ông cha, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt với người lính ra-đa, phải giữ vững bản lĩnh và truyền thống “Là đôi mắt thần của Tổ quốc”, mang nhiệm vụ không để Tổ quốc bị bất ngờ!

Bài, ảnh: THÁI PHƯƠNG