Chúng tôi may mắn được gặp Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, người đã trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 62, Trung đoàn Tên lửa 236 (nay là Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) bắn rơi 3 máy bay B-52 (B-52) trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 

50 năm về trước, thị xã Quảng Trị vỏn vẹn chưa đầy 3km2 bé nhỏ ấy đẹp như một bài Đường thi mộng mơ bên dòng sông Thạch Hãn, thế mà thị xã ấy lại hứng chịu hàng trăm nghìn tấn mưa bom, bão đạn của quân thù. Những người lính Thành cổ lấy “gan vàng” chọi với sắt thép để làm lên một tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập - thống nhất trước vận mệnh của đất nước. 

leftcenterrightdel
Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng (sinh năm 1944), nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân và vợ. Ảnh: Hồng Phúc

Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.

Lời thề non sông

Năm 1963, như bao thanh niên khác lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh Tổ quốc hai miền chia cắt, chiến tranh còn ác liệt, chàng thanh niên 19 tuổi vùng tề (nay là xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tình nguyện lên đường nhập ngũ, quyết tâm đánh giặc, giải phóng đất nước. 

Bồi hồi nhớ lại ngày chia tay các bạn lên đường nhập ngũ, thầy Nguyễn Minh Túy, Chủ nhiệm lớp 9B của Nguyễn Quang Hùng đã căn dặn: “Vào môi trường mới tiếp tục học tập, phấn đấu, chắc tay súng theo bước chân của Tướng quân Nguyễn Huệ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Nguyễn Quang Hùng đáp lại ngắn gọn bằng lời thề non sông với thầy cô, bạn bè: “Thầy cứ tin ở em, các bạn cứ tin ở tôi”.

leftcenterrightdel
 Thành cổ Quảng Trị 1967. Ảnh tư liệu/phongnhaexplorer.com
leftcenterrightdel
Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao hiện nay. Ảnh: phongnhaexplorer.com

Sau khi huấn luyện 3 tháng tại Trung đoàn 220, Bộ tư lệnh Phòng không 367, binh nhì Nguyễn Quang Hùng được cử đi học tên lửa Phòng không ở Liên Xô. Tuy nhiên, vì lý do khách quan nên nước bạn đã đưa khí tài và chuyên gia sang giảng dạy để phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta. 

Những chiến sĩ được cử đi học khi đó được biên chế  tập trung học văn hóa và ngoại ngữ tại đơn vị mang tên Trung đoàn 228B. Đến năm 1965, Trung đoàn 228B đã được nhận khí tài và học tập tên lửa Phòng không. 

Ngày 7-1-1965, từ 5 đại đội của Trung đoàn 228B, Trung đoàn Tên lửa đầu tiên - Trung đoàn 236 của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Trung đoàn 236 với 4 tiểu đoàn hỏa lực gồm: Tiểu đoàn 61, Tiểu đoàn 62, Tiểu đoàn 63, Tiểu đoàn 64 và Tiểu đoàn Kỹ thuật 65. Binh nhất Nguyễn Quang Hùng được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 62 của Trung đoàn 228B, Binh chủng Tên lửa (nay là Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 236, Sư đoàn Phòng không 361) trở thành trắc thủ cự ly.

leftcenterrightdel
 Ở tuổi 78 nhưng trong trí nhớ của người lính năm xưa vẫn nguyên vẹn ký ức về những ngày tháng khi tham gia trận chiến đánh ngoáo ộp tại Chiến trường Trị Thiên. Ảnh: Hồng Phúc

“Tôi đã là sĩ quan có số”

Từ một binh nhất trắc thủ cự ly của Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236, Nguyễn Quang Hùng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập để trở thành “sĩ quan có số”. Uống một ngụm trà vừa pha, ông kể cho chúng tôi về cuộc đời quân ngũ của mình. 

Cuối tháng 4-1965, Binh nhất Nguyễn Quang Hùng được phong quân hàm Hạ sĩ, làm Trắc thủ trưởng (Tiểu đội trưởng) xe điều khiển, trực tiếp làm trắc thủ cự ly Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236; chỉ 2 năm sau ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trở thành Thượng sĩ trắc thủ cự ly, “ngồi” vào ghế sĩ quan điều khiển thao tác. 

leftcenterrightdel
Đại úy Cờ-li-ô-bốp, Sĩ quan điều khiển tên lửa và Hạ sĩ Nguyễn Quang Hùng năm 1965. Ảnh tư liệu. 
leftcenterrightdel
Thượng sĩ Nguyễn Quang Hùng (ngồi cầm sổ rút kinh nghiệm chiến đấu) và các đồng đội của Tiểu đoàn 62 tại Cổ Nhuế, Hà Nội, năm 1967. Ảnh tư liệu. 

Ngày 22-2-1968, Binh chủng Tên lửa giải thể, Trung đoàn 236 về trực thuộc Sư đoàn Phòng không 361. Cuối năm 1969 - đầu năm 1970, ông nhận quyết định làm Đại đội phó Đại đội 1 rồi làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236, Sư đoàn Phòng không 361. 

Ngày 23-4-1971, ông được phong quân hàm từ Chuẩn úy lên Thiếu úy. “Nút thắt đã được mở, tôi đã là sĩ quan có số”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng nói. 

Khi đang đi tập huấn cuối năm ở Sư đoàn bộ Sư đoàn 361 thì bất ngờ Thiếu úy Nguyễn Quang Hùng nhận quyết định thăng quân hàm Trung úy do đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy Quân chủng ký ngày 30-10-1971 và đồng thời nhận quyết định thăng chức từ Đại đội trưởng Đại đội 1 lên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 62. 

leftcenterrightdel

Thượng sĩ Nguyễn Quang Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng kíp chiến đấu sĩ quan điều khiển rút kinh nghiệm bắn rơi chiếc máy bay 2.500, năm 1967 tại Nhật Tân. Ảnh tư liệu.  

Đại tá Nguyễn Quang Hùng bộc bạch: “Năm 1971 ấy đúng là năm “được mùa” nhất của đời tôi. Đây cũng là sự ghi nhận công lao bền bỉ, phấn đấu, cống hiến của một trong những người chiến sĩ tên lửa đầu tiên”. 

Chỉ huy Tiểu đoàn 62

Đại tá Nguyễn Quang Hùng nhận chỉ huy Tiểu đoàn 62 trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, ông kể: “Gần trưa ngày 18-6-1972, nhận lệnh của Tham mưu trưởng, tôi được thay đồng chí Lại Cao Liên chỉ huy Tiểu đoàn 62 nhằm thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh trận địa Ba Thung ở Cam Lộ (Quảng Trị). Từ Nhan Biều ra đến Cam Lộ đều thuận lợi, đến bờ sông Cam Lộ thì chập choạng tối. Lội thử một đoạn thấy sâu lắm, chắc phải bơi, mà bên bờ Bắc chắc không có ai ở.

Sáng sớm ngày 19-6-1972, đang vượt sông thì tôi thấy đoạn trên có cáng thương binh sang viện. Sang đến bờ Bắc sông Cam Lộ gặp ngay người đơn vị, mừng quá, nhưng rồi nghe chuyện đêm qua lại bàng hoàng. Xe điều khiển đi lạc đường, trúng bom, đồng chí Vệ hy sinh, đồng chí Điệp tiêu đồ 9x9 bị thương nặng, lúc sáng cáng sang viện rồi cũng hy sinh. Tôi lên trận địa, thò tay vào lỗ thủng xe điều khiển, thấy đứt cả bó dây tín hiệu. Xe thu phát (IIA) bị ngập nước khi vượt sông Bến Hải, khí tài không chiến đấu được”.

leftcenterrightdel
50 năm đã trôi qua nhưng những nét mực vẫn còn đó về phương vị, góc tà… của Tiểu đoàn 62 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng lưu giữ. Ảnh: Hồng Phúc 

Theo Đại tá Nguyễn Quang Hùng, giữa năm 1967, Mỹ áp dụng tổ chức gây nhiễu trong đội hình, chúng thường sử dụng 4 chiếc máy bay F-105 bay theo đội hình bàn tay xòe tạo ra 4 dải nhiễu. Ban đầu, các đơn vị tên lửa rất lúng túng vì chỉ mới được huấn luyện bắn nhiễu dải mà trên màn hình chỉ có 1 dải nhiễu.

Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, được đúc rút kinh nghiệm, kíp chiến đấu đã phát hiện ra giữa tín hiệu mục tiêu (dải nhiễu) và phương vị, góc tà của đài điều khiển tên lửa liên quan mật thiết với nhau. Khi trắc thủ góc tà và trắc thủ phương vị cùng bám vào dải nhiễu của một chiếc máy bay thì dải nhiễu trên màn hình sáng nhất. 

Phương pháp ba điểm 

Ngày 14-7-1967, Sư đoàn Phòng không 361 tổ chức hội nghị ở Hồng Châu tìm cách đánh mục tiêu gây nhiễu QRC-160 do đồng chí Đoàn Huyên, Tư lệnh Binh chủng chủ trì. Trong hội nghị, đề xuất cách chọn dải nhiễu của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng được báo cáo trước hội nghị và được Binh chủng tán thưởng, đưa vào các đơn vị nghiên cứu ứng dụng. 

Phương pháp đánh 3 điểm gồm các điểm đài điều khiển, tên lửa và mục tiêu cùng nằm trên một đường thẳng. Các thao tác cụ thể trong cách chọn dải nhiễu là: Dịch chuyển tay quay phương vị sang từng dải nhiễu màn phương vị, vì gián cách (Không liên tục, đứt quãng) an toàn khi bay không cho phép bay quá gần nên dễ lộ ra khoảng cách giữa các tâm cánh sóng nhiễu. Quan sát trên màn góc tà thấy có vệt sáng nhất thì trắc thủ góc tà bám vệt sáng nhất, trắc thủ phương vị bám vào dải nhiễu giữa màn. 

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân kiểm tra đơn vị Vonga năm 1992. Ảnh tư liệu.

Nếu giãn cách dải trên màn góc tà phân biệt được thì cho góc tà bám dải cao nhất và quay tay quay phương vị của sĩ quan điều khiển đến dải mà màn phương vị sáng nhất và cho bám sát (trường hợp này hiếm gặp).

Nếu hai màn đều chỉ có một dải lớn thì đành phải cho các màn bám giữa dải mà bắn. Việc xác định cự ly phóng thì căn cứ vào đồng hồ cự ly, sau khi đặt độ cao mục tiêu hoặc căn cứ độ cao để tính ra góc tà ứng với cự ly cần bắn. 

Lúc 22 giờ 50 phút, ngày 12-7-1972, theo tin tình báo quốc gia, có tốp B-52 ở Vĩnh Linh bay vào. Chỉ huy Tiểu đoàn 62, Nguyễn Quang Hùng ý kiến ngay: “Chúng tôi đổ mồ hôi, xương máu mới mang được khí tài vào đây. Hãy để chúng tôi tiêu diệt B-52, bảo vệ cho bộ đội đang chiến đấu ở phía trước”. 

Chỉ 30 giây sau, trên hiệu sóng xe điều khiển thu được nhiễu dải phía nam đông nam. Ngay lúc đó, tiêu đồ 9x9 của tiểu đoàn báo cáo B-52 xuất hiện trên bán đảo Sơn Trà. Tiểu đoàn trưởng cho chuẩn bị ba tên lửa tốt nhất, dự đoán địch đánh Thành cổ Quảng Trị. Xác định phần tử nhanh, biết được mục tiêu đang bay thẳng vào, nhẩm tính chuẩn xác để diệt địch trước lúc cắt bom phải bắn từ cự ly xa nhất khu vực sát thương. 

Ngay lúc đó, Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Quang Hùng ra lệnh: “Phương pháp ba điểm, ngòi nổ 11,5 giây, tiêu diệt mục tiêu bằng ba tên lửa, cự ly phóng 38 ki-lô-mét”. 

Ba quả tên lửa vút lên giữa đêm trăng sao không một gợn mây. Sĩ quan điều khiển Ngô Văn Thiêm dõng dạc thông báo: “Ba quả điều khiển tốt. Quả 1 nổ cự ly 29 ki-lô-mét. Quả 2 nổ cự ly 28 ki-lô-mét. Quả 3 nổ cự ly 27 ki-lô-mét”.

leftcenterrightdel
Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân) giao nhiệm vụ bổ sung trên đường cơ động vào tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), năm 1966. Ảnh tư liệu  

Mọi người trong xe điều khiển như nín thở. Tiếng trắc thủ góc tà báo to: “Giảm góc tà”. Mọi người vẫn im lặng, không thấy một tiếng bom nào nổ dưới mặt đất. Tôi báo về Sở chỉ huy: “Mục tiêu bị tiêu diệt”. Đồng chí Võ Công Lạng, Trung đoàn phó quát lớn trong điện thoại: “Hoan hô anh Hùng, hoan hô anh Hùng”. Ông tự nhủ: “Vậy là đêm nay không có tên địch nào vào được Thành cổ”. 

Ngày hôm sau, đồng chí Tiểu đoàn trưởng cao xạ đi bảo vệ Tiểu đoàn 62 thông báo: “Anh ơi, đêm qua ta bắn rơi một B-52, đài BBC vừa nói đây này”.

“Bịt mắt, bịt tai phi công Mỹ” diệt B-52 bằng đạn vá trong chiến dịch Trị Thiên

17 giờ 5 phút, ngày 6-9-1972, Kiên Cường - nhân viên tiêu đồ 9x9 hét lớn: “Có B-52”. Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Quang Hùng lệnh: “Vào cấp 1”. Kẻng báo động vang lên giữa rừng cao su. 

Đúng 5 phút sau, khí tài đã sẵn sàng chiến đấu. Ông quán triệt lại cho kíp chiến đấu về cách đánh. 17 giờ 13 phút, mở ăng-ten thu nhiễu, phát hiện nhiễu phương vị 240 độ, độ cao 10 ki-lô-mét. “Phần tử nhanh...”. 

Ông lệnh tiếp: “Cự ly phóng 35 ki-lô-mét bằng hai tên lửa...”. Sĩ quan điều khiển khi ấy báo cáo: “Hai quả điều khiển tốt. Quả 1 nổ cự ly 30 ki-lô-mét, quả 2 nổ cự ly 29,5 ki-lô-mét”.

leftcenterrightdel
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 82 - đơn vị đã bắn rơi máy bay B-52 tại chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967. Ảnh tư liệu 

Sáng hôm sau đã được thông báo: “Đồng chí Âm, Cục Tác chiến xác nhận Tiểu đoàn 62 tối qua đã bắn rơi một B-52”. Vẫn là kíp chiến đấu: Hùng, Châu, Đắc, Miều, Mai. Vẫn là cách đánh “bịt mắt, bịt tai phi công Mỹ” đánh “ngoáo ộp” (máy bay B-52).

Máy bay B-52 thứ 3 bị bắn rơi chỉ bằng một quả đạn vá do thủng cánh tầng một. Tiểu đoàn 62 đã dùng búa, gò nhẵn lỗ thủng lại, lấy đất mịn mà giun đùn lên ở gốc cây cao su nhét kín, rồi lấy mảnh bạt thấm bùn dán hai bên. 

Ngày 15-9-1972, thời tiết tốt nên quân địch hoạt động nhiều. Để chuẩn bị giặc tới là đánh, ông đôn đốc Đại đội 2 tranh thủ đưa đạn vào nạp. Tới 18 giờ đã nạp xong đạn, tiến hành kiểm tra thông điện và tín hiệu trả lời. 

“Tôi cho đài điều khiển tắt máy, tiêu đồ 9x9 trực liên tục, đài II-12 mở máy thu nhiễu. Nhìn trên hiện sóng nhìn vòng xuất hiện nhiễu, tôi lệnh: “Vào cấp 1”. Toàn Tiểu đoàn vào vị trí chiến đấu, mở máy kiểm tra chức năng. Quả nhiên trên tiêu đồ 9x9 xuất hiện một tốp B-52 hướng Tây nam. Đài 2 đã kiểm tra chức năng xong, ba rãnh, ba bệ, hai đạn tốt”, Đại tá Nguyễn Quang Hùng nhớ lại. 

leftcenterrightdel
Bộ đội Tên lửa phòng không trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu 

Đúng cự ly phóng 36 ki-lô-mét, hai đạn. Lúc này đồng hồ điểm 20 giờ 55 phút ngày 15-9. Quả 1 phóng cự ly 36 ki-lô-mét, phương vị 235 độ; quả 2 phóng cự ly 35 ki-lô-mét. Hai quả điều khiển tốt. Quả 1 nổ cự ly 30 ki-lô-mét, phương vị 237 độ. Quả 2 nổ cự ly 29 ki-lô-mét. Cũng như hôm 6-9, không có tiếng bom nổ, nhiễu giảm góc tà, mục tiêu bay ra. 

Khoảng 8 giờ ngày 16-9, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 62 Nguyễn Quang Hùng nhận thông báo: “Trên biểu dương Tiểu đoàn 62 đêm qua đã diệt một B-52 và động viên khen ngợi đơn vị”. Trước đó, 5 giờ ngày 16-9-1972, bộ đội giải phóng còn lại cũng đã rút khỏi Thành cổ Quảng Trị. Tám mươi mốt ngày đêm đẫm máu và nước mắt đã kết thúc. 

Sau ba trận liên tiếp với vai trò là chỉ huy Tiểu đoàn 62, Nguyễn Quang Hùng đã trực tiếp chỉ huy bằng lối đánh chưa có tiền lệ, diệt 4 máy bay B-52. Đó là cách đánh lấy “gậy ông đập lưng ông” hay còn được gọi là “gạt nhiễu diệt B-52”. Đài điều khiển chỉ việc bám dải nhiễu địch phát ra để chế áp tên lửa từ tốp B-52, xác định phần tử nhanh, phóng đúng thời cơ, trắc thủ bám sát chính xác, B-52 không rơi mới là lạ. 

Không quân của Mỹ cũng không thể ngờ rằng, khi chúng bắt đầu sử dụng nhiễu dải để đối phó với tên lửa của ta đã bị ta lợi dụng và bắn rơi. Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236 trong Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (tháng 7-1972) đã có chiến thuật đánh máy bay trong nhiễu dải, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam.

leftcenterrightdel

"Sách đỏ" - Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa.  

Đại tá Nguyễn Quang Hùng chia sẻ: “Tới thời điểm đó, Tiểu đoàn 62 là đơn vị bắn rơi B-52 nhiều nhất, giữ kỷ lục tới khi kết thúc chiến tranh giải phóng đất nước. Kinh nghiệm này đã đóng góp vào nội dung cuốn “Sách đỏ” của bộ đội tên lửa về cách đánh B-52. Đây là những chiến công cuối cùng của đời tôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ”.

Ngày 1-11-1972, ông nhận quyết định thăng quân hàm Thượng úy do đồng chí Hoàng Khoát, Chính ủy Sư đoàn 367 ký. Trò chuyện một lúc lâu, bỗng Đại tá Nguyễn Quang Hùng trầm lắng, giọng nghẹn ngào: “Đời lính chiến ít đánh nhau cũng buồn. Tháng 11 và đầu tháng 12 năm 1972, nghỉ ngơi là chính, trong này các loại máy bay Mỹ hoạt động cầm chừng. Thấy tình hình phía ngoài địch hoạt động nhiều, nằm ở đây cũng sốt ruột”. 

Bởi lẽ, đêm 18-12-1972, địch dùng B-52 đánh Hà Nội. “Tôi nằm đây nhưng tâm hồn ở ngoài Hà Nội”, ông nói. Ông chỉ biết ước “giá như lúc này Trung đoàn 236 có mặt ở Hà Nội thì tốt biết mấy”. Đã từng đánh làm rơi đủ loại máy bay, đặc biệt đã bắn rơi đến 9 chiếc B-52 từ đầu năm 1972. Kinh nghiệm đánh nhiễu, kinh nghiệm đánh B-52 thời điểm này chắc chưa ai hơn Trung đoàn 236. Nằm đây không đánh đấm gì mà Hà Nội đang bị B-52 tàn phá ai mà không xót xa. 

Thành cổ Quảng Trị - Khúc tráng ca bất diệt

Vút lên từ Thành cổ Quảng Trị, khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu đỏ, hàng nghìn chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh trong 81 ngày đêm ấy. 

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm"

(Trích thơ "Lời người bên sông" - Lê Bá Dương)

leftcenterrightdel
Người lính năm nào kể về những ngày tháng chiến đấu, trưởng thành từ người lính trắc thủ, lên sĩ quan điều khiển, rồi tiểu đoàn trưởng. Ảnh: Hồng Phúc 

Chiến tranh đã qua đi, hàng ngàn hàng vạn người lính đã mãi mãi hóa thân vào đất đai, sông núi. Tuổi 20 họ nằm với đất mẹ, con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì các anh để lại cho đời là vĩnh viễn.

Các anh ra đi để lại cho thế hệ trẻ bao hoài niệm và bài học, những bài học được đánh đổi bằng xương máu, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân giải phóng trong 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ Quảng Trị mãi mãi là niềm cảm phục, tự hào của đất nước.

HỒNG PHÚC