Đến cuối tháng 11-1972, ngành kỹ thuật đã cấp bổ sung cho bộ đội tên lửa 6 bộ đài điều khiển, 2 dây chuyền kiểm tra lắp ráp đạn tên lửa; cấp 2 xe khí tài tên lửa, 6 bộ radar P-12, 8 máy đo, 34 máy nổ, 40 xe chở đạn tên lửa, 143 quả đạn tên lửa. Tính chung trong chiến dịch, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã tổ chức vận chuyển từ các kho dự trữ cho các đơn vị chiến đấu ở Hà Nội, Hải Phòng 271 quả đạn tên lửa (theo cuốn "Tổng kết công tác kỹ thuật phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)"-Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.126).

Mặc dù công tác bảo đảm cho bộ đội tên lửa được chuẩn bị chủ động, chu đáo, trong đó có phương án dự phòng, nhưng mối lo thiếu đạn tên lửa vẫn hiện hữu khi đế quốc Mỹ dùng nhiều máy bay B-52 ồ ạt tập kích đường không. "Tiết kiệm đạn tên lửa, dành đạn tên lửa cho B-52" trở thành mệnh lệnh kể từ sau đêm 18-12-1972.

leftcenterrightdel
Chuẩn bị tên lửa bảo đảm cho chiến đấu đánh địch tập kích đường không, năm 1972. Ảnh tư liệu 

Để không bị thiếu đạn tên lửa, từ Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đến các sư đoàn, trung đoàn đều tập trung mọi nỗ lực giải quyết việc lắp ráp và tiếp đạn kịp thời cho các tiểu đoàn hỏa lực liên tục chiến đấu. Quân chủng PK-KQ đã phối hợp với các ngành liên quan vận dụng, kết hợp linh hoạt các hình thức bảo đảm và thực hiện nguyên tắc ưu tiên, tập trung tối đa mọi khả năng cho nhiệm vụ chủ yếu, trang bị chủ yếu, trận then chốt. 

Cùng với việc triệt để thực hiện tiết kiệm đạn, các cơ sở lắp ráp đạn tên lửa đều tổ chức làm thêm ca. Những quả đạn tên lửa vừa được lắp ráp xong lập tức đưa lên xe chuyên dụng TZM chuyển ngay đến các trận địa. Các đơn vị cũng được bổ sung nhiên liệu, cánh đạn, chốt cánh đạn, cốt, phách để chủ động lắp ráp, kiểm tra đạn tên lửa. Ở Hà Nội, hai đội lắp ráp của Xưởng A31 được điều động tăng cường kiểm tra, sửa chữa đạn cho Sư đoàn 361. Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ tổ chức vận chuyển 78 quả đạn tên lửa cho Sư đoàn 361 và 27 quả đạn cho Sư đoàn 363. Số đạn tên lửa dự trữ ở Thanh Hóa được chuyển ngay ra bổ sung cho các trận địa chiến đấu ở Hà Nội...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác kỹ thuật là sửa chữa, cải tiến khí tài, bệ phóng và đạn tên lửa. Nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa, dồn lắp, khôi phục với thay thế; kết hợp linh hoạt giữa BĐKT tại chỗ với bảo đảm cơ động; bảo đảm theo phân cấp với bảo đảm vượt cấp; bảo đảm theo phân cấp và bảo đảm theo khu vực; lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu. Phát huy vai trò xung kích, lực lượng kỹ thuật thường xuyên bám đơn vị, bám trận địa, kịp thời sửa chữa được 70-80% số vũ khí, trang bị kỹ thuật bị hư hỏng nhẹ. Lực lượng sửa chữa cơ động đến các khu vực trọng điểm, các đơn vị có vũ khí, khí tài bị hư hỏng do bom đạn địch, cùng đơn vị khẩn trương khắc phục, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.

Nhờ công tác chuẩn bị khẩn trương, kịp thời nên khi máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, các đơn vị tên lửa và pháo phòng không chiến đấu hiệu quả, tiêu diệt nhiều máy bay địch, trong đó có B-52. Ba ngày đầu của chiến dịch, hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị luôn đạt mức cao, xấp xỉ trước khi bước vào chiến dịch.

Sau khi bị thiệt hại nặng nề, từ ngày 21-12-1972, địch thay đổi chiến thuật, chúng tập trung đánh phá các trận địa tên lửa, pháo phòng không cả ngày lẫn đêm, gây cho ta nhiều khó khăn. Mặt khác, do phải chiến đấu liên tục với cường độ cao nên vũ khí, khí tài của các đơn vị bị hư hỏng ngày càng nhiều. Cường độ làm việc của khí tài radar, tên lửa đều tăng, trong đó radar phải mở máy liên tục từ 10 đến 13 giờ/ngày, thậm chí lên tới 17 giờ/ngày; giờ mở máy của khí tài tên lửa tăng từ 1,5 đến 2 lần... Vũ khí, trang bị kỹ thuật tại trận địa bị hư hỏng chiếm tới 25%. Để giải quyết kịp thời, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chủ động khắc phục, đồng thời điều động các đội sửa chữa cơ động đến các tiểu đoàn hỏa lực.

Cùng với bảo đảm cho các đơn vị chủ lực, công tác kỹ thuật còn bảo đảm cho các lực lượng phòng không nhân dân chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, trong đó có 4 đại đội pháo 100mm (20 khẩu), 192 trận địa với 721 khẩu súng máy phòng không 14,5mm, 12,7mm và hơn 54.000 dân quân, tự vệ trang bị súng trường, tiểu liên... Việc tích cực, chủ động, kịp thời BĐKT cho các đơn vị chiến đấu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

CÔNG PHƯƠNG KHƯƠNG