Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT); đại diện các tỉnh thường xuyên chịu tác động nặng do hạn hán như: Ninh Thuận, Bình Định, Trường Đại học Thủy lợi, Hội Tưới tiêu, Mạng lưới cộng tác vì nước Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có liên quan.

Trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Theo đánh giá của các chuyên gia, El Nino giai đoạn 2014-2016 ở Việt Nam được ghi nhận là dài nhất và có cường độ mạnh gây ra hạn hán nghiêm trọng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thì đợt hạn hán và xâm nhập mặn 2014-2016 đã gây ra thiệt hại lớn, và xu thế sẽ tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, công tác ứng phó với hạn hán hiện nay còn thiếu các công cụ dự báo, phân tích và hỗ trợ ra quyết định kịp thời. Do vậy, công tác quản lý hạn hán tổng hợp cần chuyển cách tiếp cận từ “quản lý thiên tai” sang “quản lý rủi ro, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại cũng như phục hồi sau hạn hán.

 

leftcenterrightdel

Chu trình giám sát và quản lý hạn hán. Ảnh: Trung tâm giảm nhẹ thiên tai Ccâu Á . 

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Chi cục Thủy lợi Bình Định, để chủ động trong việc ứng phó với hạn hán đáp ứng nhu cầu thực tiễn phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương thì trước các vụ sản xuất địa phương cần có được những thông tin như khả năng nguồn nước tổng thể phục vụ sản xuất, khả năng nguồn nước đến các hệ thống công trình thủy lợi, diện tích có thể gieo trồng ứng với khả năng nguồn nước và cần thiết phải giám sát được nguồn nước trong từng mùa vụ nhằm hỗ trợ lập kế hoạch và chỉ đạo sản xuất.


Đối với các cơ quan quản lý có liên quan về việc ứng phó với hạn hán thì cần chủ động có các giải pháp tổng thể, phải xây dựng được các kịch bản hạn hán và hơn thế nữa, phải áp dụng được các giải pháp tiên tiến trong nhận định và cảnh báo sớm với hạn hán để có thể chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó các giai đoạn trước, trong và sau hạn hạn nhằm giảm thiểu tối đa tác động do hạn có thể gây ra.

Hiện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã bước đầu xây dựng được Khung quản lý hạn hán tổng thể và đã áp dụng thí điểm cho tỉnh Bình Định. Theo PGS,TS Nguyễn Tùng Phong, Chủ trì nhóm nghiên cứu thì Khung quản lý hạn hán tổng hợp được xây dựng dựa trên cách tiếp cận tổng thể như “quản lý rủi ro” thay cho “quản lý sự cố” trước đây; quản lý tổng hợp lưu vực sông trong dự báo nguồn nước và phân phối nước hiệu quả, lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu và các hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, tưới tiên tiến tiết kiệm nước... nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương.

Khung quản lý hạn chính là “tập hợp đơn giản” của các hoạt động cần ưu tiên, khuyến khích để triển khai, thực hiện hằng năm và dài hạn đối với từng loại và các cấp độ hạn hán cho từng khu vực khác nhau. Các loại hạn hán khác nhau được xác định thông qua các chỉ số hạn hán như: Chỉ số chuẩn hóa mưa (SPI), chỉ số hạn khắc nghiệt Palmer (PDSI), chỉ số thực vật NDVI... Tùy theo mỗi cấp quản lý khác nhau, khung quản lý hạn cũng sẽ có những kế hoạch, đề xuất hành động tương ứng với khả năng của các bên liên quan tại cấp độ đó. Đối với cấp tỉnh, Khung quản lý hạn hán chính là Kế hoạch hoạch hành động ứng phó hạn hán trên địa bàn tỉnh. 

Để xây dựng cũng như triển khai các hoạt động trong Khung quản lý hạn hán tổng hợp, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cùng với Trung tâm giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADPC), dự án SERVIR Mekong với sự hỗ trợ của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Hoa Kỳ (NASA)... đã hợp tác phát triển và xây dựng một số công cụ nhằm giám sát và quản lý hạn hán. Đối với từng loại hạn khác nhau sẽ áp dụng các công cụ khác nhau như sử dụng mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) kết hợp với ảnh vệ tinh để nhận định hạn khí tượng, sử dụng các mô hình thủy lực để xác định hạn thủy văn và công nghệ viễn thám để xác định chỉ số hạn nông nghiệp thông qua chỉ số thực vật (NDVI). Trên cơ sở đó, có thể cung cấp các bản tin nhận định tình hình hạn hán theo các chỉ số tương ứng, từ đó tính toán dự báo nguồn nước đến, dự báo các khu vực thiếu hoặc không có nước trước từ 1 đến 3 tháng nhằm phục vụ sản xuất.

Để tổng hợp các công cụ hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và chỉ đạo sản xuất cũng như đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan trong việc chủ động ứng phó với hạn hán, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (website: www.quanlyhan.org) cung cấp các thông tin, hoạt động hỗ trợ chủ động quản lý hạn hán cho các vùng ở Việt Nam (bước đầu đã áp dụng thí điểm cho tỉnh Bình Định). Hệ thống này cung cấp thông tin chính liên quan đến hỗ trợ quản lý hạn hán, bao gồm: Giám sát và Cảnh báo cho 3 loại hạn chính là: Hạn khí tượng, hạn thủy văn và hạn nông nghiệp, mức độ hiển thị chi tiết là từ cấp vùng cho đến cấp tỉnh (riêng đối với hạn thủy văn và hạn nông nghiệp được chi tiết đến các hồ chứa trong tỉnh Bình Định).

LÊ HỒNG NHUNG