Các cấp, các ngành, các địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ, cũng như người sử dụng lao động, trong đó tập trung vào đổi mới nội dung, cách làm, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên không chỉ được phát triển về số lượng mà còn được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Mạng lưới các trung tâm tư vấn, văn phòng tư vấn pháp luật, mô hình “Ngày Pháp luật”, “Tháng Công nhân”, hội thi tìm hiểu pháp luật... được hình thành và mở rộng. Nhờ vậy, ý thức pháp luật của NLĐ, người sử dụng lao động được nâng lên...

Bên cạnh những kết quả trên, đó đây vẫn còn xảy ra những vụ vi phạm pháp luật lao động và các chế độ chính sách. Từ phía NLĐ, do thiếu hiểu biết về những kiến thức liên quan đến quyền và nghĩa vụ, nên việc chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật lao động còn hạn chế, khi bị áp dụng các hình thức xử phạt thì bức xúc, chống đối, thậm chí đình công, lãn công. Vụ việc xảy ra tại doanh nghiệp tư nhân Đại Bình có trụ sở tại số 158, đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ điển hình. Cụ thể là vào ngày 23-2-2018, có tới 59 công nhân ở một số phân xưởng của doanh nghiệp này bỏ về sau giờ làm việc hành chính để phản đối quyết định của ban giám đốc về tăng thời gian làm việc từ 8 giờ lên 11,5 giờ/ngày. Vẫn biết, việc người lao động tự ý nghỉ việc có thể bị coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2012. Song, phía doanh nghiệp cũng phải cân nhắc xem trước khi đưa ra quyết định tăng giờ làm, mình đã tiến hành đàm phán, thống nhất với người lao động và đưa ra được những chế độ đãi ngộ cụ thể với người lao động hay chưa?

Còn về phía các doanh nghiệp, do chưa nhận thức đầy đủ những quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và an toàn, vệ sinh lao động... nên kết quả thực hiện còn hạn chế. Có doanh nghiệp mặc dù nắm khá vững các quy định của pháp luật về lao động, nhưng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, họ cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định đó, dẫn đến thắc mắc, thậm chí bức xúc, căng thẳng giữa NLĐ và doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội của NLĐ theo quy định của pháp luật, trước hết cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ, cũng như người sử dụng lao động theo hướng nội dung phải phù hợp từng nhóm đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần thay đổi, hoàn thiện những quy định của luật pháp theo hướng quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động giản đơn phải bố trí thời gian và điều kiện để mỗi NLĐ có thể vừa học vừa làm, nâng cao trình độ nhận thức, nhất là nhận thức pháp luật. Thực hiện điều này cũng góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, giảm thấp nhất nguy cơ dẫn đến xung đột hoặc những hành động tự phát, tùy tiện, thậm chí manh động của NLĐ.

GIANG LONG