Tôi đã có tuổi thơ gắn bó và nhiều kỷ niệm với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tường Vi, bởi gia đình của mẹ và gia đình tôi cùng sống trong khu Văn công Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khi mẹ Vi mở câu lạc bộ nghệ thuật trong khu văn công thì học trò của mẹ hầu hết là con cháu các văn nghệ sĩ trong khu, nên đều có năng khiếu về nghệ thuật.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi. 

Đến câu lạc bộ, chúng tôi đều gọi là mẹ Vi và được mẹ hướng dẫn tập luyện các tiết mục hát, múa để đi biểu diễn khắp nơi. Trong câu lạc bộ có rất nhiều bạn sau này có tên tuổi nổi tiếng như: Đồng Quang Vinh, Khánh Thi, Linh Nga, Hoài Phương (nhóm Mặt trời đỏ), Tùng “bầu”…

Bản thân tôi rất ngưỡng mộ giọng hát của mẹ. NSND Tường Vi được đánh giá là một trong những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, gắn với những ca khúc nổi tiếng như: “Tiếng đàn Ta Lư” (nhạc sĩ Huy Thục), “Em là hoa Pơ Lang” (Đức Minh), “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh), “Người lái đò trên sông Pô Cô” (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), “Bóng cây Kơ-nia” (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)…

Nhưng nhắc tới NSND Tường Vi, có lẽ khán giả nhớ nhiều nhất vẫn là “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi). Cũng từ bài hát này, giới âm nhạc còn ngưỡng mộ ở bà không chỉ tài năng ca hát mà còn là một nhạc sĩ sáng tạo âm nhạc, khi đoạn staccato (một hình thức diễn tấu trong âm nhạc) giả tiếng chim hót kinh điển trong ca khúc “Cô gái vót chông”. Sự sáng tạo này đã được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp hết lời khen ngợi và với các ca sĩ thể hiện sau này cũng phải hát đoạn staccato như một điều bắt buộc.

leftcenterrightdel
NSND Tường Vi và các thành viên Trung tâm Nghệ thuật tình thương tới biểu diễn tại gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc Đại tướng còn sống. Ảnh tư liệu

NSND Tường Vi sở hữu một tiếng hát rất truyền cảm, bắt nguồn từ tâm hồn của người lính. Bản thân mẹ từng có thời gian công tác trong Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), có nhiều cơ hội tiếp xúc, trò chuyện nhiều với bộ đội và cảm thông sâu sắc với họ.

Nghệ sĩ Tường Vi cũng là chủ nhân của nhiều ca khúc như “Phi đội ta xuất kích”, “Quê hương anh là biển cả”, “Em lắng nghe tiếng đời”, “Đời cho em những nốt nhạc vui”, “Trái tim ơi đừng buồn”, “Ước mơ của bé là hòa bình”...

Ở bên mẹ Vi, chúng tôi luôn cảm nhận được tình yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu khán giả và vô cùng yêu các em nhỏ thiệt thòi, mồ côi. Lúc nào cũng cảm nhận được nét thanh xuân, sự trẻ khỏe về tinh thần và sức sống tận hiến hết mình vì nghệ thuật, vì các tài năng trẻ của mẹ.

leftcenterrightdel
Mẹ Vi và các thành viên trong câu lạc bộ nghệ thuật khu văn công Mai Dịch. Ảnh tư liệu

Bởi vậy mà sau này khi mẹ Vi nâng cấp câu lạc bộ nghệ thuật lấy tên là Trung tâm Nghệ thuật tình thương (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) với mục đích nuôi dưỡng, đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ và ủng hộ, giúp sức cùng mẹ. Từ câu lạc bộ, NSND Tường Vi đã ươm mầm tài năng cho các bạn nhỏ và đỡ đầu cho rất nhiều bạn có tài năng nhưng gia đình khó khăn nhận được học bổng đến năm 18 tuổi. Hiện nay, trung tâm có 3 cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, do NSND Tường Vi làm giám đốc. Những em nhỏ tại trung tâm đã được đi biểu diễn nhiều nơi, nhiều em thi đỗ vào các trường nghệ thuật trong cả nước và cũng nhiều người trong số đó đã có những phát triển trong nghệ thuật.

Những năm cuối đời, do bệnh trọng, mẹ Vi chuyển vào Đà Nẵng sống cùng gia đình con trai. Mỗi dịp đi công tác, tôi ghé thăm mẹ, dù tuổi cao nhưng mẹ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Những kỷ niệm với mẹ vô cùng đáng nhớ với tôi! Cảm ơn mẹ Vi rất nhiều!

NSND Tường Vi sinh năm 1938 tại Quảng Nam, trong một gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng có năng khiếu ca hát. Khi 16 tuổi,  Tường Vi nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108 rồi chuyển sang Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc. Bà cũng vinh dự là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.

Lễ viếng NSND Tường Vi diễn ra vào 7 giờ ngày 14-5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17 (số 3 Nguyễn Phi Khanh, TP Đà Nẵng). Lễ truy điệu lúc 12 giờ cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5, TP Đà Nẵng.

Nhạc sĩ GIÁNG SON

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.