Ông Cường đang chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết công tác chi bộ năm 2017. Thế là chúng tôi "bị" ông cuốn vào "câu chuyện chi bộ"; càng nghe, chúng tôi càng thấy nhiều điều bổ ích...   

Chi bộ 13 thuộc Đảng bộ phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nơi ông Cường đang đảm nhiệm Phó bí thư chi bộ, kiêm Tổ phó tổ dân phố có nhiều nét tương đồng với “chi bộ hưu trí” của chúng tôi. Số đảng viên của chi bộ thường từ 100 đến 120 đồng chí, hầu hết là cựu giáo chức, cán bộ hưu trí và các cựu chiến binh. Trong khi chúng tôi cũng rất chú trọng xây dựng chi bộ, nhưng kết quả chỉ đạt mức bình bình; mỗi lần rút kinh nghiệm, nhiều đồng chí trong chi bộ lại bùi ngùi với lý do: “Đảng viên toàn là cán bộ hưu trí, đâu có điều kiện để phấn đấu vươn lên hàng đầu!”. Vậy mà nhiều năm nay, Chi bộ 13 phường Thanh Xuân Bắc liên tục đạt trong sạch, vững mạnh (TSVM) và ở tốp đầu trong Đảng bộ phường; năm 2017 là chi bộ TSVM tiêu biểu.

leftcenterrightdel
Phó bí thư Chi bộ 13, Đảng bộ phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) Lê Ngọc Cường (bên phải) trao đổi với người cao tuổi trong tổ dân phố.

Ông Cường chia sẻ chân thành: "Cán bộ hưu, chi bộ đâu có hưu! Nhưng để nâng cao chất lượng của chi bộ gồm đa số đảng viên là cán bộ nghỉ hưu thì nhất thiết “đầu máy” phải khỏe; phương pháp sinh hoạt phải phù hợp". Ông Cường phân tích thêm: "Thứ nhất, chi ủy phải gồm các đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, đoàn kết thống nhất và gương mẫu; phân công, phân nhiệm rõ ràng. Thứ hai, phải nắm thật chắc tình hình đảng viên, khu dân cư để có hướng lãnh đạo sát, đúng và hợp tình, hợp lý. Ở chi bộ gồm hầu hết đảng viên là cán bộ nghỉ hưu, ắt là có nhiều đồng chí hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên và bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng, mong muốn Đảng luôn vững mạnh để giữ vững vai trò lãnh đạo, phát huy thành quả cách mạng. Chi ủy cần phát huy nhiệt huyết của các đảng viên để tạo nền tảng xây dựng chi bộ vững mạnh. Với những đảng viên có biểu hiện thiếu trách nhiệm, ít tham gia sinh hoạt, thờ ơ việc chung, thiếu tin tưởng vào đường lối của Đảng, xa rời quần chúng... thì cấp ủy phải “dùng lý để phê bình, lấy tình để cảm hóa”, tận tâm giúp đỡ để họ không sa vào “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo ông Cường: Để thu hút đảng viên là cán bộ hưu trí, điều cốt yếu còn là nội dung và phương pháp tổ chức sinh hoạt chi bộ. Trên cơ sở nguyên tắc, quy định của Đảng, cấp ủy nên tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ gồm ba phần: Sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, thông tin thời sự và định hướng tư tưởng. Nội dung phải sát với nhiệm vụ. Riêng phần sinh hoạt thông tin thời sự phải khái quát được tại địa phương đang có gì mới, nổi bật, như các gương người tốt-việc tốt; chuyện xây dựng nhà trái phép, vệ sinh môi trường, bệnh dịch..., hướng giải quyết; vướng mắc ở chỗ nào, ai có trách nhiệm giải quyết. Đảng viên hưu trí thường ít có điều kiện tiếp xúc, hiểu biết các chế độ chính sách, chi ủy cần quan tâm đến nội dung này. Cuối buổi sinh hoạt cần định hướng: Tình hình địa phương như vậy, cấp ủy, đảng viên phải làm gì; hiến kế ra sao...?

Thực tế thành công ở Chi bộ 13 phường Thanh Xuân Bắc cho thấy, chi ủy viên phải "trội" so với đảng viên, phải làm được, nói được; cùng với đoàn kết, gương mẫu, chi ủy viên phải có năng lực thuyết phục, thu hút đảng viên và quần chúng; phải luôn học tập, trau dồi kiến thức về công tác chi bộ..., nhất là học lẫn nhau và học ở quần chúng.

Câu chuyện "chi bộ đâu có hưu" càng lúc càng sôi nổi. Với mỗi vấn đề được nêu ra trao đổi, ông Cường lại lấy ví dụ dẫn chứng ngay tại chi ủy, Chi bộ 13.

Tiễn chúng tôi, ông Cường bộc bạch: "Người lính đã kinh qua chiến trường ác liệt, không khó khăn nào có thể cản bước. Vấn đề là sự tâm huyết cùng với phương pháp làm việc khoa học, hết lòng vì Đảng, vì dân, thì nhất định đảng viên sẽ có được uy tín, chi bộ sẽ vững mạnh".

Đôi mắt ở tuổi 63 của Phó bí thư chi bộ ánh lên niềm vui...

Bài và ảnh: PHAN DUY GIA