"Cháy vé"

Một ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, tôi và mấy người bạn đồng nghiệp từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh cùng trải nghiệm buýt trên sông Sài Gòn. 14 giờ, cả nhóm háo hức đến Bến Bạch Đằng (quận 1) mua vé nhưng đành tiu nghỉu ra về sau cái lắc đầu đầy cảm thông của cô nhân viên bán vé: “Vé trong ngày đã bán hết từ sáng sớm rồi. Các anh muốn đi thì 7 giờ ngày mai ra xếp hàng mua vé”. Để chắc ăn, sáng hôm sau chúng tôi trở lại Bến Bạch Đằng sớm hơn lời dặn của cô nhân viên bán vé tới 30 phút, nhưng đến nơi đã có hàng trăm người xếp hàng dài đợi sẵn. Đến lượt được mua vé thì lại bắt gặp cái lắc đầu đầy tiếc nuối của cô nhân viên: “Chỉ còn vé lượt đi thôi. Vé lượt về hết sạch rồi anh ạ”. Vậy là để có được một lần trải nghiệm buýt sông, chúng tôi đành phải đi taxi lượt về.

Những cán bộ, nhân viên làm việc ở Bến tàu Bạch Đằng cho biết, không chỉ vào dịp du xuân mà ngày thường, vé buýt sông cũng bán hết ngay trong buổi sáng. Những ngày cuối tuần thì luôn trong tình trạng "cháy vé". Có ngày chỉ sau giờ mở cửa vài chục phút, vé đã hết sạch. Hàng trăm người đến muộn đành ngậm ngùi ra về. Chị Võ Thị Mỹ Dung, nhân viên phòng vé cho biết: Hành khách đi buýt sông đa số là khách du lịch. Với hải trình toàn tuyến gần 11km, xuất phát từ Bến Bạch Đằng (quận 1) đi qua 4 bến và điểm dừng chân cuối cùng là Bến Linh Đông (quận Thủ Đức), hành khách có hơn 30 phút khám phá, trải nghiệm văn hóa sông nước, ngắm cảnh TP từ hai bên bờ sông Sài Gòn. Đặc biệt, các bến đón, trả khách của buýt sông đều rất thuận tiện cho hành khách đi đến các khu du lịch, điểm giải trí, trung tâm thương mại… dọc bờ sông Sài Gòn.

leftcenterrightdel
Buýt sông trả khách tại Bến Linh Đông (Thủ Đức).

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật-đơn vị chủ đầu tư dự án buýt sông Sài Gòn, hiện tại, công ty mới đưa vào hoạt động đội tàu buýt 3 chiếc, trong đó 2 chiếc hoạt động luân phiên thường xuyên, 1 chiếc dự phòng. Mỗi tàu buýt có sức chứa 75 hành khách, hoạt động liên tục 12 chuyến cả lượt đi và lượt về, từ 7 giờ đến 19 giờ 30 phút hằng ngày. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện thêm một số bến tàu buýt đón, trả khách dọc hải trình. Khi hoàn thành, toàn tuyến sẽ có tổng cộng 7 bến đón, trả khách. Các bến đều được đầu tư xây dựng khang trang, tiện ích, có đầy đủ dịch vụ cho hành khách nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm, bãi giữ xe... Sắp tới, nhà đầu tư sẽ bố trí xe điện đưa đón hành khách.

Giá xe buýt, chất lượng du thuyền

“Được đi du lịch đường sông giá rẻ, chất lượng cao, cớ gì không đi. Dịp Tết vừa rồi, hai bên gia đình nội, ngoại của tôi kéo nhau đến mấy chục người đi du lịch sông Sài Gòn bằng tàu buýt, cảm giác rất “phiêu”-chị Nguyễn Thanh Tâm, ngụ tại phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh, bộc bạch như vậy. Đây chính là một trong những lý do khiến tuyến buýt sông Sài Gòn luôn trong tình trạng “cháy vé”. Theo tính toán của chị Tâm, nếu muốn đi du lịch bằng du thuyền nhà hàng trên sông Sài Gòn thì mức giá phải cao gấp 30 lần giá vé buýt sông, vượt xa khả năng của người thu nhập thấp. Trong khi đó, giá vé buýt sông là 15.000 đồng/người/lượt, được đi trên tàu mới, thiết kế đẹp, tiện ích, ai cũng muốn trải nghiệm.

Sự đón nhận nồng nhiệt của hành khách sau hơn ba tháng vận hành buýt sông là một thành công vượt ngoài mong đợi của ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và chủ đầu tư. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với việc đưa vào khai thác tuyến buýt sông số 1, sở đang chỉ đạo triển khai dự án tuyến buýt sông số 2 (Bến Bạch Đằng-Lò Gốm) dài hơn 10km và trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng ở nhiều tuyến sông, rạch khác. Việc triển khai loại hình vận tải hành khách đặc thù này không chỉ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ, giải quyết ách tắc giao thông mà còn tạo đà cho phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh. Thành công bước đầu của buýt sông mở ra cơ hội để thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy, một tiềm năng lớn chưa được khai thác hiệu quả ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG