Năm 2018, sau khi tham dự một hội thảo về ứng dụng theo dõi và cảnh báo thiên tai tại Nhật Bản, TS Nguyễn Phi Lê nảy ra ý tưởng nghiên cứu hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng AI, với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chất lượng không khí được chuẩn hóa, công khai góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu liên quan...

Sau khi trở về Việt Nam, chị lập tức kết nối với một số đồng nghiệp tại Nhật Bản và Việt Nam để cùng triển khai ý tưởng. Theo TS Nguyễn Phi Lê, sau 18 tháng, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được 30 thiết bị quan trắc Fi-mi; xây dựng hệ thống theo dõi hoạt động của các thiết bị quan trắc; xây dựng hệ thống web theo dõi chất lượng không khí thời gian thực (fi-mi.vn). Đặc biệt, Fi-mi trở thành một trong 22 dự án khoa học, công nghệ được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ năm 2020, với số vốn đầu tư tới thời điểm này là khoảng 6 tỷ đồng.

leftcenterrightdel

PGS, TS Đỗ Phan Thuận (giữa) và sinh viên lắp đặt thiết bị Fi-mi trên nóc xe buýt.

Để những thiết bị Fi-mi hoạt động và thu thập dữ liệu, người dùng cần lắp những thiết bị này trên các phương tiện giao thông. Dữ liệu thu được sẽ truyền về hệ thống và được ứng dụng AI phân tích, dự đoán chất lượng không khí trong tương lai theo không gian, thời gian, đặc biệt có thể dự đoán chất lượng không khí tại những địa điểm mà phương tiện không đi qua.

PGS, TS Đỗ Phan Thuận chia sẻ, Fi-Mi hoạt động hiệu quả nhất khi được gắn trên nóc xe buýt. Còn xe taxi, ô tô gia đình... thường không đi theo lộ trình cố định và lấy được ít mẫu, nên ảnh hưởng tới bài toán dự đoán không gian, thời gian của thiết bị. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm là tìm đối tác thử nghiệm. Hầu hết các đơn vị xe buýt đều từ chối đề nghị xin lắp đặt thử nghiệm vì nghi ngờ bị theo dõi. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp, bạn bè, cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng thuyết phục được Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).

Trong tháng 7-2022, nhóm đã triển khai lắp 30 thiết bị trên xe buýt của Transerco. Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc truyền dữ liệu từ các thiết bị về máy chủ tương đối ổn định, hệ thống hoạt động trơn tru, đáp ứng tốt với điều kiện thời tiết và rung lắc khi xe buýt hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị Fi-mi khác cũng được lắp đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để so sánh kết quả dữ liệu Fi-mi thu được với kết quả dữ liệu của một thiết bị quan trắc của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Đến nay, nhóm nghiên cứu đều đã cơ bản hoàn thành những cam kết với VinIF. TS Nguyễn Phi Lê chia sẻ: “Kết quả bước đầu đã cho thấy tiềm năng ứng dụng của AI trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của Việt Nam. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển dự án và thực hiện nhiều nghiên cứu khác dựa trên ứng dụng AI”.

ĐOÀN THẢO