USDA cho biết đề xuất mới này được xây dựng dựa trên khuôn khổ pháp lý được FSIS ban hành vào tháng 10-2022 nhằm hạn chế nhiễm khuẩn Salmonella từ nguồn cung cấp gia cầm. Vào thời điểm đó, cơ quan này cho biết vi khuẩn Salmonella ở gia cầm là một vấn đề phức tạp không thể giải quyết bằng 1 giải pháp duy nhất. Theo đó, người chăn nuôi được yêu cầu phải kiểm tra đàn gia cầm để tránh đưa mầm bệnh vào các trang trại chăn nuôi. FSIS cũng đề xuất tiến hành các quy trình xác minh, bao gồm lấy mẫu và xét nghiệm trước khi tẩm bột và nhồi nguyên liệu khác để đảm bảo các cơ sở sản xuất kiểm soát vi khuẩn Salmonella trong các sản phẩm này.

leftcenterrightdel
Các sản phẩm chưa được nấu chín có nguy cơ gây bệnh. Ảnh: foodsafetynews.com 

Theo Bộ trưởng Tom Vilsack, USDA đang hành động một cách cương quyết, dựa trên cơ sở khoa học để giảm thiểu các bệnh do Salmonella có trong các sản phẩm gia cầm gây ra. Đề xuất này là bước đi đầu tiên trong nỗ lực lớn hơn nhằm kiểm soát nhiễm khuẩn Salmonella trong tất cả các sản phẩm gia cầm, cũng như tiếp tục thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng Mỹ khỏi bệnh do thực phẩm gây ra.

Theo đề xuất này, bất kỳ sản phẩm gà sống tẩm bột nào có kết quả xét nghiệm dương tính với Salmonella ở mức 1 đơn vị hình thành khuẩn lạc (đơn vị được dùng để ước tính số lượng vi khuẩn trong 1 mẫu thử nghiệm)/gram trước khi tẩm bột sẽ được cho là nhiễm khuẩn và không được phép bày bán. Công ty có sản phẩm bị phát hiện có loại vi khuẩn này sẽ phải thu hồi.

Theo FSIS, nhìn bề ngoài, các sản phẩm gà sống tẩm bột trông giống như đã được nấu chín trước khi đông lạnh. Tuy nhiên, thực tế, chúng mới chỉ được xử lý nhiệt và cần được nấu chín kỹ trước khi sử dụng. Các sản phẩm này thường được người tiêu dùng nấu từ trạng thái đông lạnh, điều này làm tăng nguy cơ nhiệt độ không đủ để tiêu diệt vi khuẩn Salmonella. Người tiêu dùng cũng khó xác định chính xác nhiệt cần thiết để làm chín các sản phẩm bởi chúng được nhồi cùng với các nguyên liệu khác như rau sống, bơ, pho mát hoặc thịt như giăm bông. Nhiệt độ bên trong cần thiết để để tiêu diệt vi khuẩn là 74,48 độ C.

Việc dán nhãn cũng được xem là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các đợt bùng phát bệnh do vi khuẩn Salmonella. Dữ liệu thu thập được từ các đợt bùng phát dịch bệnh và nghiên cứu người tiêu dùng của FSIS cho thấy rằng một số người tiêu dùng đã không biết được các sản phẩm này có chứa thịt gà sống khi bên ngoài chúng có màu nâu. Điều này khiến họ tin rằng sản phẩm này đã được làm chín và có thể ăn luôn hoặc không cần làm chín bên trong ở nhiệt độ cần thiết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, có khoảng 1,35 triệu người ở quốc gia này nhiễm bệnh do vi khuẩn Salmonella mỗi năm và gần 1/4 số ca nhiễm bệnh là do ăn thịt gia cầm. USDA cho biết nhiễm khuẩn Salmonella gây thiệt hại 4,1 tỷ USD mỗi năm. FSIS cho biết, sở sĩ họ đưa ra đề xuất này là vì đã có 14 đợt bùng phát với khoảng 200 ca bệnh liên quan đến vi khuẩn Salmonella trong các sản phẩm này kể từ năm 1998. Đợt bùng phát gần đây nhất là vào năm 2021 với 11 ca mắc.

Theo CDC Hoa Kỳ, vi khuẩn Salmonella gây ra nhiều bệnh liên quan đến ngộ độc thực phẩm hơn bất kỳ loại vi khuẩn nào khác. Đó là một vấn đề lớn đối với tất cả các sản phẩm thịt gà, không chỉ những sản phẩm được tẩm bột. CDC cho biết, cứ 25 gói thịt gà tại các cửa hàng tạp hóa thì có 1 gói bị nhiễm vi khuẩn.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm: Tiêu chảy, sốt và đau quặn dạ dày. Các triệu chứng này có thể bắt đầu trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn phải đồ ăn nhiễm khuẩn. Mặc dù hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục khi được điều trị, nhưng các chuyên gia khuyên cần phải tìm kiếm hỗ trợ y tế nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc không cải thiện sau vài ngày hoặc có dấu hiệu mất nước.

Nói về đề xuất mới này, Hội đồng nuôi gà quốc gia, đại diện cho ngành chăn nuôi gà thịt của Mỹ, đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” và cho rằng đề xuất này không dựa trên cơ sở khoa học hoặc dữ liệu nào. Theo Chủ tịch Hội đồng nuôi gà quốc gia Mike Brown, cơ quan này và các công ty thành viên đã chi hàng triệu USD để giảm vi khuẩn nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Những nỗ lực này đã được đền đáp khi số người nhiễm bệnh đã giảm đáng kể trong 7 năm qua”, ông  Brown cho biết.

leftcenterrightdel

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm tiêu chảy, sốt và đau quặn dạ dày. Ảnh: fda.gov

Hội đồng cũng cho biết họ đã hai lần kiến nghị với USDA về các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về việc dán nhãn mác để đảm bảo người tiêu dùng biết cách chế biến sản phẩm sao cho an toàn, nhưng không nhận được phản hồi. Ông Brown cũng tỏ ra lo ngại, đề xuất mới này có thể sẽ khiến các nhà máy chế biến phải đóng cửa, đẩy các công ty nhỏ hơn ra khỏi thị trường và loại bỏ thực phẩm khỏi kệ mà không cải thiện được sức khỏe công cộng.

Trong khi đó, Báo cáo người tiêu dùng, một nhóm ủng hộ người tiêu dùng, đánh giá đề xuất này là “bước quan trọng đầu tiên”. Một cuộc điều tra năm 2022 của Báo cáo người tiêu dùng tập trung vào thịt gà xay đã phát hiện ra rằng 1/3 mẫu bị nhiễm khuẩn Salmonella và tất cả các chủng đều kháng ít nhất một loại kháng sinh.

Báo cáo người tiêu dùng đã yêu cầu USDA đặt ra các mục tiêu quyết liệt hơn và mong muốn rằng cơ quan này sẽ có nhiều quyền hạn hơn để kiểm tra các nhà máy gia cầm và có thể đóng cửa các cơ sở ngay lập tức nếu các xét nghiệm cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella cao.

TRẦN HOÀI (Theo CNN)