Về vấn đề này, bác sĩ Dương Xuân Phương, Phó trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch-lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) trả lời như sau:

Lõm ngực bẩm sinh là biến dạng lồng ngực bẩm sinh do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức làm cho lồng ngực bị lõm xuống. Nguyên nhân chủ yếu là do dị tật bẩm sinh, có yếu tố di truyền trong gia đình. Đây là bệnh lý hay gặp nhất, chiếm gần 90% trong biến dạng lồng ngực bẩm sinh ở trẻ em, như: Lõm ngực, ngực nhô kiểu ức gà, gù vẹo cột sống, khe hở xương ức... Trẻ thường được phát hiện lõm ngực ngay sau sinh hoặc khi đến tuổi dậy thì. Đa số các trường hợp phát hiện ngay sau khi trẻ chào đời. Lõm ngực mức độ nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bị nặng hơn mà không được điều trị thì tùy theo mức độ bệnh sẽ gây đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim-phổi, đẩy tim sang bên trái lồng ngực và làm giảm khả năng bơm máu, ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của trẻ.

leftcenterrightdel

 Lõm ngực bẩm sinh ở trẻ. Ảnh minh họa: TTXVN

Lõm ngực bẩm sinh còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý trẻ, nhất là những trẻ đang lớn, ảnh hưởng đến hình thức khiến trẻ chậm phát triển, thiếu tự tin, ngại giao tiếp. Do đó, các bậc phụ huynh cần để ý đến sự phát triển xương của con mình. Nếu thấy lồng ngực của con có dấu hiệu lồi-lõm bất thường, hoặc nếu trẻ hay mệt nhiều, hay bị viêm phổi; khi vận động hoặc hoạt động thể lực trẻ nhanh mệt mỏi... nên sớm đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời, có biện pháp phục hồi lồng ngực, tránh tình trạng tim-phổi bị chèn ép. Những trường hợp lõm ngực mức độ nặng, ảnh hưởng đến chức năng tim-phổi hay kết hợp dị tật tim bẩm sinh, nên được điều trị sớm. Trường hợp lõm ngực mức độ vừa phải, độ tuổi phù hợp để điều trị là từ 8 đến 14 tuổi. Nếu phẫu thuật sớm quá, xương chưa phát triển hoàn thiện sẽ khó khăn trong việc định hình xương lồng ngực; ngược lại, nếu điều trị muộn quá khi khung xương đã định hình, bệnh nhi sẽ rất đau.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật Nuss (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu) có nội soi hỗ trợ, đang được áp dụng rộng rãi. Kỹ thuật này có ưu điểm là hạn chế tối đa tai biến, giúp bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn. Với phương pháp này, các bác sĩ mở những lỗ nhỏ hai bên ngực, sau đó luồn thanh kim loại qua ngực để nâng phần ngực lõm lên. Tùy vào tình trạng lõm lồng ngực của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ sử dụng số lượng thanh kim loại tương ứng. Sau phẫu thuật, bố mẹ cần đưa trẻ tái khám theo lịch. Khoảng hai năm sau mổ, khi xương ức ổn định, cứng chắc ở tư thế phẳng, trẻ sẽ được thực hiện phẫu thuật lần hai để rút thanh nâng ngực, kết thúc quá trình điều trị. Hiện phẫu thuật lõm lồng ngực bẩm sinh đã được bảo hiểm y tế thanh toán, giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình điều trị.

Từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật lõm ngực bẩm sinh cho trẻ. Nhờ vậy, người bệnh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận muốn điều trị căn bệnh lõm lồng ngực bẩm sinh thì không phải đi xa, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.

Các thắc mắc về sức khỏe xin được gửi về chuyên mục "Bác sĩ của bạn", Phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com.