Bác sĩ “giảng viên” ở Bentiu

Dịch tả bùng phát ở châu Phi và Nam Sudan đang là một trong những điểm nóng, bác sĩ Hùng được Ban giám đốc Bệnh viện giao nhiệm vụ lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở đơn vị cũng như điều trị bệnh nhân.

leftcenterrightdel
Kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chia sẻ từ Bentiu, địa bàn đóng quân của Bệnh viện dã chiến 2.4, bác sĩ Hùng cho biết, ngoài trực tiếp lên kế hoạch, anh còn cùng các đồng nghiệp ở khoa tự làm các công việc chuyên môn liên quan như kiểm soát nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước thải; diệt ruồi nhặng, côn trùng; nhắc nhở ăn chín, uống sôi, kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm ở bếp ăn đơn vị...

Theo Trung tá, bác sĩ Vũ Minh Dương, Giám đốc BVDC 2.4, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm dịch tả ở Bentiu do nơi đây cách thành phố Malakal, thủ phủ bang Thượng sông Nile của Nam Sudan không xa, nhất là trong bối cảnh nước lũ vẫn dâng cao ở khu vực và những nguồn lây có thể di chuyển tới địa bàn. Tại đây, kể từ ngày 22-2 đã ghi nhận 179 ca mắc tả và 1 ca đã tử vong. Kế hoạch phòng và xử lý kịp thời khi xuất hiện dịch tại địa bàn, trong đó bao gồm có phác đồ điều trị, lập khu cách ly... là rất quan trọng. 

leftcenterrightdel
Bác sĩ Phạm Văn Hùng (người đứng) tham gia hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho đơn vị Mông Cổ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bác sĩ Hùng chia sẻ, anh và đồng nghiệp ở Khoa Nội-Truyền nhiễm đã quen với những nhiệm vụ chống dịch đột xuất như vậy và đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19 cũng như sốt rét, nhưng điều lo lắng nhất vẫn là phải kiểm soát tốt nguồn lây. Là đơn vị y tế chuyên môn cao nhất khu vực Bentiu, không chỉ đảm nhận điều trị các ca bệnh, BVDC 2.4 được coi như “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc và cộng đồng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, đơn vị mình làm tốt chưa đủ mà các đơn vị bạn cũng phải tham gia. Bác sĩ Hùng luôn được Ban giám đốc tin tưởng giao nhiệm vụ giảng các bài chuyên môn y tế, hướng dẫn, tập huấn những biện pháp phòng, chống dịch cho các đơn vị bạn; tham gia các đoàn kiểm tra vệ sinh của Phái bộ. 

Ở giai đoạn bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp trên thế giới và châu Phi (nơi khởi phát của bệnh), bác sĩ Hùng là một trong những thành viên của Bệnh viện tham gia huấn luyện và cập nhật kiến thức cho các bệnh viện cấp 1 tại Phái bộ. Sự nhiệt tình giải đáp những thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của bác sĩ Hùng và đồng nghiệp đã tạo được sự tin tưởng đối với các đơn vị bạn, góp phần nâng cao uy tín của BVDC cấp 2 Việt Nam. 

leftcenterrightdel
Bác sĩ Hùng hướng dẫn biện pháp vệ sinh phòng dịch ở đơn vị bạn. 

Lập nhóm kết nối bác sĩ phòng dịch 

Với uy tín và khả năng chuyên môn của mình, bác sĩ Hùng đã xây dựng Nhóm kết nối các bác sĩ, nhân viên vệ sinh phòng dịch ở các bệnh viện dã chiến cấp 1 nhằm thuận tiện trong công tác trao đổi chuyên môn cũng như chỉ đạo công tác vệ sinh phòng dịch. Theo bác sĩ Hùng, làm tốt công tác dự phòng sẽ giảm gánh nặng lên công tác điều trị, góp phần bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe thực hiện nhiệm vụ. Sáng kiến giúp bệnh viện thường xuyên và kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh tại Phái bộ cũng như khu vực, từ đó xây dựng kế hoạch vệ sinh phòng dịch hằng tháng hoặc khi có yêu cầu.

Bác sĩ cũng xây dựng, bổ sung phiếu sàng lọc, phân loại bệnh nhân truyền nhiễm đối với các dịch bệnh có nguy cơ cao như: Covid-19, Ebola, đậu mùa khỉ... ngay từ cổng gác để phân luồng bệnh nhân, nhằm giảm tối đa nguy cơ lây bệnh cho các nhân viên y tế. 

leftcenterrightdel
 Giảng dạy về phòng chống HIV/AIDs ở đơn vị Mông Cổ.

Ở Nam Sudan, dịch bệnh chủ yếu bùng phát vào mùa mưa nên khối lượng công việc tăng lên rất nhiều. Ở thời điểm căng thẳng của dịch Covid-19, đơn vị vừa cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa phải tập trung phòng, chống bệnh sốt rét, các bệnh tiêu hóa.

Do xung quanh đơn vị đóng quân là khu vực thiên nhiên hoang dã nên vào mùa mưa có nhiều rắn ở nơi thấp bị ngập nước di chuyển đến, làm tăng nguy cơ bị rắn độc cắn (rắn ở Nam Sudan 100% là rắn độc và rất độc). Nguồn nước đơn vị sử dụng lấy từ giếng khoan của Liên hợp quốc, nhưng chất lượng nước không ổn định, vì vậy thường xuyên phải kiểm tra và xử lý trước khi đưa vào sử dụng. 

Trung tá Vũ Minh Dương cho biết, ở những thời điểm căng mình chống dịch như vậy, bác sĩ Hùng luôn tham mưu kịp thời cho chỉ huy đơn vị các biện pháp ứng phó ở khu vực có thể nói là “dịch chồng dịch” và tổ chức một cách khoa học cho đội phòng dịch thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất. 

Miệt mài với công việc của nhân viên y tế dự phòng là luôn đối mặt với những rủi ro, nguồn động viên của bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp chính là đơn vị kiểm soát tốt bệnh sốt rét, dịch Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm sức khỏe cho toàn đơn vị, không để dịch bệnh bùng phát tại địa bàn, các bệnh nhân có sức khỏe ổn định khi ra viện. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Bệnh nhân sốt rét Mông Cổ gửi bánh ngọt cám ơn các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã giúp anh hồi phục sức khỏe.

Bác sĩ Hùng kể, có bệnh nhân sốt rét của đơn vị Mông Cổ sau khi nằm viện điều trị một tuần còn gửi bánh ngọt cảm ơn các bác sĩ Việt Nam đã giúp mình khỏe lại. Khi nhập viện, bệnh nhân này biến chứng nặng, mệt mỏi nhiều; sau khi được điều trị, bệnh nhân chia sẻ “cảm thấy như được sống lại”. “Niềm vui của chúng tôi chính là luôn được coi như chỗ dựa tinh thần quan trọng cho những người bệnh ở nơi này”- Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Hùng bày tỏ. 

Bác sĩ Phạm Văn Hùng cũng thường tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh, phát thuốc cho người dân địa phương bên ngoài khu dân cư và bệnh viện tỉnh Bentiu. Anh tâm sự: “Ra ngoài mới thấy cuộc sống của người dân rất khổ cực. Thương nhất là các cháu nhỏ, không được ăn uống đầy đủ, suy dinh dưỡng nhiều. Việc giúp đỡ người dân càng khiến chúng tôi có động lực hơn trong công việc, nỗ lực đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.

MỸ HẠNH