Quá trình công tác tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tôi cùng đồng đội luôn thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch mà các bác sĩ của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 175 hướng dẫn. Mỗi khi rời khỏi một vị trí làm việc ngoài đường, hoặc trong bệnh viện, khu dân cư tiếp xúc nhiều F0, tôi đều súc họng, xịt khuẩn tay.
Trên xe lúc nào cũng có nước muối để súc họng khi khô miệng. Chúng tôi cũng tự test nhanh ba ngày/lần để kiểm tra sức khỏe của mình và bảo đảm an toàn cho nơi đến làm việc. Hằng ngày, thường xuyên tăng cường Vitamin C, uống nước cam, chanh, ăn tỏi trong bữa ăn. Nhờ vậy mà suốt gần ba tháng, chúng tôi đều an toàn.
Từ ngày về nhà ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai hơn một tháng nay, tôi thường xuyên nhận được các tin nhắn khuyến cáo như: Yêu cầu người dân luôn nâng cao cảnh giác nhưng không hoang mang, lo lắng; tích cực đồng hành và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; thực hiện thông điệp “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ, cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid...
Các giải pháp vĩ mô đặt ra rất nhiều, tuy nhiên, cụ thể các biện pháp về phòng ngừa, tự bảo vệ sức khỏe cho người dân thì ít thấy. Một người bạn nhắn cho tôi, vợ anh ấy bị nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ, tôi tư vấn xin được ở nhà, nhưng hiện tại địa phương chưa có cơ chế như vậy nên phải vào bệnh viện điều trị.
Như vậy, các bài thuốc tây y kết hợp sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch với các nguyên vật liệu có sẵn quanh ta mà Bộ Y tế ban hành đã rất ít được các địa phương tuyên truyền rộng rãi, cũng như người dân quan tâm.
 |
Tác giả (bên trái) test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho đồng nghiệp (Ảnh: HẢI YẾN) |
Mấy ngày qua, các tỉnh Tây Nguyên có số ca nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh, đến như tính đến ngày 4-11, tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 4.500 trường hợp, Gia Lai hơn 2.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2…
Chính vì vậy, mà ngày 2-11, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1688/UBND-KGVX về việc triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Còn tỉnh Đắk Lắk đã lên kế hoạch điều trị F0 tại nhà và lập thêm bệnh viện dã chiến. Việc này đồng nghĩa với cách tiếp cận sẽ triển khai điều trị F0 tại nhà khi dự báo số ca nhiễm ngày càng tăng.
Rõ ràng, việc điều trị F0 tại nhà đã cho kết quả tích cực với những người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nên Bộ Y tế mới ra Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28-8-2021 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Ở thời điểm này, khi đã xác định những giải pháp linh hoạt để sống chung với dịch Covid-19 thì cần có cách ứng xử hợp lý hơn. Khi đó sẽ phải chấp nhận các ca nhiễm cộng đồng ngày càng nhiều hơn.
Do vậy, ngoài việc phủ nhanh vắc xin, cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa cho người dân đề phòng, đối phó với dịch bệnh bằng nhiều liệu pháp như ăn uống tăng cường nhiều Vitamin C, vệ sinh phòng dịch hằng ngày, sử dụng y dược cổ truyền để phòng dịch, hướng dẫn tự test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nhằm xác định tình trạng sức khỏe và tránh lây lan trong cộng đồng.
Đồng thời, tạo điều kiện để người dân có nguyện vọng cách ly, điều trị tại nhà khi nhiễm Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ với những cam kết, quy định bắt buộc. Qua đó sẽ giảm tải được số lượng bệnh nhân đang ngày một gia tăng trong các cơ sở y tế.
Có như vậy mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch”, sống chung an toàn với dịch bệnh, tránh được tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” ở các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng tôi hằng ngày vẫn nhắc nhở gia đình ăn nhiều tỏi trong bữa cơm, uống nhiều nước ấm, nước chanh nóng với mật ong, súc họng nước muối thường xuyên hoặc mỗi khi khô miệng.
Mỗi ngày đều nấu một nồi hỗn hợp sả, hoắc hương (hương nhu), gừng, chanh, vỏ bưởi cho hơi nước bốc lên trong phòng, vừa tạo mùi hương, vừa bảo vệ an toàn cho cả nhà. Đây cũng là bài thuốc theo quyết định số 4539/QĐ-BYT ngày 25-9-2021 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19”.
VŨ DUY HIỂN