Sau khi tiếp nhận thông tin tôi đã tiêm 2 mũi vaccine trước đó một tháng, có giấy chứng nhận xét nghiệm Realtime RT – PCR âm tính mới nhất và có quyết định tham gia đoàn công tác của cơ quan cấp bộ, nữ tư vấn địa phương trả lời: “Xin lỗi anh, vấn đề này em không trả lời anh được, em gửi anh số điện thoại của lãnh đạo anh hỏi xem ạ”.
Số điện thoại tôi nhận được là Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh. Tôi gọi điện và trình bày nội dung như trên. Tôi khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời: “Có xét nghiệm hay không xét nghiệm, có tiêm hay không tiêm anh đều phải đi cách ly tập trung hết. Trường hợp của anh là cách ly tập trung 7 ngày”.
Tôi viện dẫn văn bản chỉ đạo của tỉnh ban hành, đối với những người tham gia các đoàn công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực có dịch hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc áp dụng cao hơn. Đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì cách ly tại nhà/nơi cư trú đủ 7 ngày. Thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 bằng phương pháp Realtime RT – PCR, 2 lần vào ngày 1 và ngày 6 kể từ ngày đến/về địa phương.
“Không phân biệt, cách ly tập trung hết, Ban chỉ đạo UBND tỉnh mới họp chiều nay quyết lại như vậy”, vị giám đốc quả quyết.
Những ngày sau đó tôi liên tục theo dõi thông tin địa phương có thay đổi văn bản về thực hiện các biện pháp cách ly đối với những người về từ các tỉnh, thành phố phía Nam thì thấy rằng, đều không có thay đổi so với trước đó.
 |
Hàng ngàn người dân về địa phương sẽ đi cách ly tập trung mà không phân biệt đối tượng. |
Sau khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở lại trạng thái bình thường mới, sau thời gian dài giãn cách xã hội. Người dân ồ ạt di chuyển bằng nhiều phương tiện cá nhân về nhà. Do dự báo hạn chế, nhiều địa phương "trở tay không kịp", nên chưa tính toán đến phương án tổ chức như thế nào cho phù hợp. Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho địa phương mình, khá nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức cách ly tập trung để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhận thấy sự lúng túng đó, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và ngay trong ngày 6-10, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Trong đó có một điểm đáng lưu ý: Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu. Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19, ngoài cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 4156, ngày 28-8-2021 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà.
 |
Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai được trưng dụng thành khu cách ly tập trung có sức chứa trên 400 người. Ảnh: Ngọc Minh |
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn trên, mà đó là kết quả của việc đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn các địa phương trong phòng, chống dịch qua lần thứ 4 với biết bao khó khăn, vất vả và các bằng chứng khoa học về dịch tễ, điều trị, vaccine... Bên cạnh đó, những văn bản này được xây dựng phù hợp với việc Chính phủ và các địa phương đã thống nhất chuyển từ tư duy "zero covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".
Trở lại câu chuyện của tôi và rất nhiều đồng nghiệp đang vướng phải theo cơ chế riêng của tỉnh. Vấn đề không phải chỉ là cá nhân mà rộng ra là cách thức tổ chức phòng, chống dịch của địa phương đó, nhất là các tỉnh nghèo, gây lãng phí nguồn lực nhà nước, xã hội, bởi ngân sách đang đè nặng cho chi phí xét nghiệm, tổ chức khu cách ly tập trung, cho những người tham gia phòng, chống dịch… Ngoài ra, việc tổ chức hàng trăm người vào điểm cách ly tập trung mà không đảm bảo tốt quy trình chống nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến hệ luỵ đi ngược lại với chính sách chống dịch.
Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều người về quê, người đi công tác trở về bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, các địa phương cần tuân thủ các quy định của Bộ Y tế hướng dẫn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động trong dự báo tình hình, phân loại đối tượng, người đã tiêm vaccine, người nhiễm bệnh đã khỏi, người có nguy cơ nhiễm bệnh để có cơ chế giám sát chu đáo tại nhà, tại địa phương mà vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Bài, ảnh: MINH DUY