Dự hội thảo có: Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần); nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; đại biểu Hội Ghép tạng Việt Nam; Tổng hội Y học Việt Nam; các chuyên gia đầu ngành của cả nước về lĩnh vực gan, đa tạng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy một số bệnh viện trong và ngoài Quân đội.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phấn khởi chia sẻ: Hiện nay, cả nước có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất Việt Nam (tính đến ngày 24-11-2023, Bệnh viện đã ghép 204 ca), đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca). Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

Điều đặc biệt là, Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau; đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép; ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt, ghi những dấu ấn sâu sắc.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng, PGS, TS Lê Hữu Song phát biểu tại hội thảo. 

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau hơn 6 năm thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay, Bệnh viện đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 800 ca ghép, trong đó, chủ yếu là ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ và xơ gan mất bù, ghép tủy… Các ca ghép được thực hiện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.

leftcenterrightdel
 Đại tá, PGS, TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa trình bày báo cáo đánh giá kết quả 200 ca ghép gan tại Bệnh viện.

Từ những kết quả đạt được, Thiếu tướng, PGS, TS Lê Hữu Song cho biết, thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu; thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi; đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan…

leftcenterrightdel

 Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu tại hội thảo.

Mục tiêu của Bệnh viện trong lĩnh vực này là, đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và thế giới. Qua đó, nỗ lực xây dựng Bệnh viện hiện đại, đồng bộ, thông minh “Chuyên sâu - Chuyên tâm - Vươn tầm Quốc tế”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao, xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trình bày kinh nghiệm triển khai đề án ghép tạng và ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Đại tá, PGS, TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa báo cáo đánh giá kết quả 200 ca ghép gan tại Bệnh viện; đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo kinh nghiệm tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép gan từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhiều ý kiến thảo luận chất lượng, có giá trị khoa học khác liên quan đến ghép gan.

Tin, ảnh: VĂN CHIỂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.