Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê chiêm trũng, quanh năm “đồng trắng nước trong”. Vì là mảnh đất thuần nông nên cây khoai nước được người dân quê tôi trồng rất phổ biến. Cây khoai nước sinh trưởng rất nhanh, sau khoảng gần hai tháng, khoai nước có thể cho ra ngó-là phần mọc từ gốc của cây khoai nước, có thân dài thon như một chiếc đũa ăn cơm, kích cỡ lớn bằng ngón tay út.

Canh ngó khoai thì có nhiều cách nấu: Om cùng với xương sườn; om với thịt ba chỉ và chuối, đậu... Vì nhà nghèo, nên mẹ tôi thường nấu ngó khoai với bỗng mẻ. Sau khi thu hoạch, mẹ rửa qua bùn đất và ngồi tỉ mẩn tước phần vỏ thật sạch, cắt bỏ phần đầu và phần đuôi, bẻ chúng thành từng khúc vừa ăn.

Ảnh: MAI ĐÌNH 

Tiếp đó, mẹ rửa ngó khoai bằng nước muối và rửa lại bằng nước sạch, cho vào nồi luộc để loại bỏ nhớt. Mẹ kể, một trong những “bí quyết” giúp bát canh ngó khoai không bị ngứa là tuyệt đối không dùng đũa để nấu mà phải dùng muôi sắt. Sau khi xào ngó khoai cùng các loại gia vị như: Muối, mắm, hành tím, tỏi tươi, mẹ om cùng bỗng mẻ cho đến khi nào ngó khoai chín nhừ thì tắt bếp. Có thêm bát canh ngó khoai mẹ nấu thơm phức, bữa cơm gia đình tôi như trở thành bữa tiệc.

Trải qua năm tháng, món canh ngó khoai mẹ nấu đã nuôi nấng chúng tôi nên người. Giờ đây, hai anh em chúng tôi đều là cán bộ chính trị trong Quân đội, công tác ở hai miền Tổ quốc. Mỗi lần có dịp về thăm quê, chúng tôi đều "đòi" mẹ nấu cho bát canh ngó khoai. Dẫu biết, mẹ tôi bây giờ tóc cũng đã bạc nhiều phần, nhưng món ăn dân dã ấy dường như trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng tôi...

ĐÀO NGỌC LÂM