Khoảng một thập niên trở lại đây, mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ cả về số lượng và mức độ đa dạng của hoạt động sáng tác. Chưa bao giờ thông tin về mỹ thuật lại xuất hiện dày đặc như hiện nay. Song, đa phần những nội dung này chỉ dừng lại ở mức giới thiệu, quảng bá, hoặc tán dương cảm tính, thiếu chiều sâu học thuật, không có đối thoại phê bình hay phản biện thẩm mỹ nghiêm túc. Trong hệ thống xuất bản, các công trình nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, đương đại-đặc biệt là công trình mang tính đối sánh quốc tế-vô cùng ít ỏi. Hiếm có những nghiên cứu độc lập có chiều sâu về trường phái, ngôn ngữ tạo hình, mỹ học hậu hiện đại, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sinh thái... tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: nhandan.vn 

Trong khi đó, hệ thống LLPB mỹ thuật, vốn đóng vai trò như người “dẫn đường”, giúp nghệ thuật xác lập hệ giá trị, lại đang bị xem nhẹ, thiếu đầu tư và quan trọng hơn là thiếu người làm. Ngay cả những người được đào tạo bài bản cũng khó có cơ hội hành nghề thực thụ, dẫn đến hiện tượng “đào tạo không đi kèm sử dụng”, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn nhân lực. Khoa Lý luận của Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã sáp nhập với khoa khác vì không có người học. Tại Hà Nội, Khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chỉ tuyển được 1-3 sinh viên mỗi khóa, khóa gần đây nhất có khởi sắc hơn với 5 sinh viên. Tình trạng này phản ánh một vấn đề cốt lõi: Không có “đầu ra” cho người học LLPB. Báo chí mỹ thuật chính thống chỉ còn vài ấn phẩm, cơ hội nghề nghiệp gần như bằng 0.

Không chỉ thiếu chỗ đứng, tiếng nói LLPB còn trở nên dè dặt, thiếu sắc bén. Rất hiếm có bài viết dám đi ngược chiều số đông, dám đưa ra những kiến giải mới, đánh giá lại giá trị hoặc phản biện các xu hướng lệch chuẩn. Lý do? Một phần vì tâm lý “né va chạm”, phần khác vì giới làm nghề không sống được bằng nghề-thu nhập quá thấp, nhuận bút không đủ nuôi dưỡng sự chuyên tâm nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều bài viết về mỹ thuật hiện nay chỉ đơn thuần là “chuyển thể” từ thông cáo báo chí. Thị trường mỹ thuật thì vận hành dựa trên sự quảng bá và những lời ngợi khen có chủ đích. Phê bình học thuật mất dần vai trò phản biện, thay vào đó là những “review nghệ thuật” đầy cảm tính, thậm chí có phần thương mại hóa, khi một số nghệ sĩ sẵn sàng bỏ tiền thuê người viết bài để “tô vẽ” tên tuổi trên báo chí hoặc mạng xã hội.

Một nền nghệ thuật không có LLPB là một nền nghệ thuật thiếu xương sống. Nó khiến nghệ sĩ mất đi đối thoại tri thức, công chúng thiếu công cụ tiếp nhận và xã hội không có cơ sở để đánh giá, bảo tồn hay phát triển di sản nghệ thuật. Hệ quả là sự nhập nhằng giữa giá trị thực và ảo, giữa tác phẩm có chiều sâu và những sản phẩm “gây sốc” nhất thời.

LLPB không đối lập với sáng tác. Ngược lại, nó là người bạn đồng hành, là “chiếc gương phản chiếu” giúp nghệ sĩ tự soi lại hành trình sáng tạo của mình. LLPB đúng nghĩa phải là tiếng nói của tri thức, đối thoại, tranh luận học thuật, nhằm kiến tạo giá trị bền vững chứ không phải để “làm đẹp” cho tác phẩm hay “tạo sóng” truyền thông. Muốn như vậy, cần sự vào cuộc nghiêm túc từ cả hệ thống. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nhân lực, tài lực cho nghiên cứu và phê bình mỹ thuật. Các cơ sở đào tạo cần được củng cố và tái cơ cấu, khuyến khích người học bằng học bổng, cơ hội nghề nghiệp.

Giữa một thế giới nghệ thuật đang toàn cầu hóa, liên tục thay đổi và xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, vai trò của LLPB càng trở nên cấp thiết. Đó không chỉ là nhu cầu nội tại của ngành mỹ thuật mà còn là điều kiện tiên quyết để định vị bản sắc văn hóa dân tộc trên trường quốc tế.

PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.