Việc học tưởng chừng “chấm hết”

Chảo Thị Yến là người con thứ 3 sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em tại vùng quê sát biên giới Việt -Trung. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và quan niệm con gái không cần phải học nhiều, Yến chỉ được bố mẹ cho học hết cấp 2 rồi ở nhà đi làm thuê, làm nương rẫy.

Với niềm khao khát được đến trường, mỗi chiều đi chăn trâu Chảo Yến đều chăn ở gần trường và đến bên cửa sổ nghe thầy cô giảng bài. Nhận thấy tinh thần ham học của học trò, thầy giáo cũ đã nhiều lần đến nhà thuyết phục cha mẹ Yến cho cô đi học. Thương con, cha mẹ Yến cũng dần thay đổi suy nghĩ và cho cô quay trở lại trường học viết tiếp giấc mơ sau 3 năm bỏ dở.

leftcenterrightdel

Chảo Thị Yến luôn chia sẻ những hình ảnh rạng rỡ trong bộ trang phục dân tộc truyền thống trên các trang mạng xã hội. 

Ban đầu, Chảo Yến đã chọn theo học khối C. Năm 2008, một trận lũ lụt tàn khốc bất ngờ xảy ra tại quê hương của Yến, sau trận lũ lịch sử ấy, cô đã thay đổi ý định của mình chuyển sang học khối A, thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp với mong muốn có thêm kiến thức để bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ quê hương khi có lũ xảy ra.

Năm 2010, Chảo Yến là cô gái người Dao Tuyển đầu tiên của xã xuống xuôi học đại học. Với sự nỗ lực, cố gắng Yến luôn là sinh viên có điểm số đứng tốp đầu của lớp, nhiều học kỳ giành học bổng và điểm khóa luận tốt nghiệp của cô cao thứ hai toàn khóa.

leftcenterrightdel
Chảo Yến cùng các bạn tham quan, tìm hiểu Vườn quốc gia Cúc Phương khi còn là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.  

Với một cô gái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chảo Yến được đi học đại học đã rất khó khăn, việc đi du học lại là điều cô chưa bao giờ nghĩ đến. Sau khi học xong 4 năm đại học, thầy cô trong trường đã giới thiệu cho Yến các chương trình học bổng. Nhận thấy cơ hội tốt, cô gái người Dao đã nộp hồ sơ và nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Liên minh châu Âu - ERASMUS MUNDUS, du học tại Đại học Goettingen (Đức) và Đại học Padova (Italia) trong 2 năm với trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Ngày Yến biết tin mình được học bổng cũng là ngày cô nhận ra sự thay đổi của người dân nơi bản làng mình sinh sống. “Trước khi mình sang châu Âu du học, người dân trong bản đã đến nhà chúc mừng đông như hội, mọi người còn gửi tặng mình rất nhiều quà. Lúc này, mình nhận ra mọi người đã bắt đầu tin rằng, học là tốt cho tương lai bất kể người đi học là nam hay nữ”.

leftcenterrightdel

Du học châu Âu đã giúp Yến có thêm nhiều người bạn và những kiến thức mới.

Bỏ phố về rừng phát triển nông sản vùng cao

Năm 2018, Chảo Yến trở về nước sau 2 năm sau du học ở châu Âu, cô đã thử sức làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: Trợ lý dự án trong Trung tâm Con người và Thiên nhiên, tư vấn tự do cho một số dự án của UNESCO và tổ chức của Hà Lan… Dù có một công việc ổn định và làm việc tại các tổ chức uy tín nhưng cô gái người Dao vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương, mong muốn sẽ trở về và phát triển bản thân trên chính quê hương mình.

Được đi du học đã cho cô nàng người Dao mở mang thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống. Nó đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của Yến về xuất thân của mình. “Mình vốn rất tự ti về xuất thân là người dân tộc thiểu số, nhưng thời gian đi du học đã cho mình thấy được sự đa dạng của văn hóa. Không có văn hóa cao hay thấp, mọi thứ công bằng và luôn có nét đặc trưng riêng. Người Dao chúng mình có những nét độc đáo mà dân tộc khác không có. Mình chuyển từ tự ti sang tự hào, thấy bản thân cần có trách nhiệm gìn giữ bản sắc dân tộc”, Chảo Yến chia sẻ.

leftcenterrightdel
Chảo Yến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam 2022. 

Năm 2020, Yến vừa đi làm ở một tổ chức phi chính phủ, vừa kết hợp cùng một người bạn theo đuổi kinh doanh homestay và phát triển du lịch sinh thái ở Sa Pa. Nhưng ngay trong lần đầu tiên khởi nghiệp, cô nàng đã khá thất vọng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến du lịch ngừng trệ, homestay vì thế chỉ hoạt động cầm chừng.

Năm 2022, Chảo Yến may mắn được tham gia Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Tại đây cô đã gặp những người thành đạt trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nhận thấy nhiều cá nhân dù không phải người bản địa nhưng họ có thể nâng tầm các sản phẩm của người dân tộc thiểu số, khiến Yến tự đặt ra câu hỏi "Tại sao một người sinh ra từ bản làng như mình lại không thể làm được điều đó?”.

leftcenterrightdel
Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong được thành lập tháng 7-2023.

Và rồi Yến quyết định từ bỏ công việc với thu nhập tốt, trở về nơi mình sinh ra để bắt đầu một hành trình mới với nông sản và thảo dược người Dao. “Mình đang trong giai đoạn bắt đầu. Không có sẵn kiến thức kinh doanh nên mọi thứ với mình đều rất mới, thiếu nguồn lực, nhân lực, tài chính,... Tất cả những gì mình có là một tinh thần dám nghĩ, dám làm”, Yến tâm sự.

Tháng 7-2023, Chảo Yến chính thức trở thành Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong, Goong trong tiếng Dao có nghĩa là tốt đẹp. Với cái tên này, cô nàng mong muốn giá trị mà hợp tác xã đem lại sẽ tạo ra những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Hợp tác xã tập hợp 9 hộ gia đình bản địa, tập trung phát triển những bài thuốc Nam, dược liệu, nông sản, những sản phẩm tri thức của người Dao. Với sự thành thạo, nhanh nhẹn trong việc sử dụng công nghệ, Chảo Yến đã phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội quảng cáo các mặt hàng của bản người Dao.

leftcenterrightdel
Gian hàng xã Nậm Chạc tại phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai tại Bát Xát. 

Để các sản phẩm của địa phương được tiếp cận đến nhiều khách hàng, Yến đã trải qua nhiều vất vả. “Những ngày bắt đầu xây dựng kênh TikTok để kinh doanh các sản phẩm bản địa, mình đã phải kiêm nhiều chức vụ, vừa là người sáng tạo nội dung, vừa quay phim, chụp ảnh, dựng video và làm luôn quản lý trang bán hàng…Bởi những kiến thức mới mẻ này, ở bản của mình chưa ai hiểu và biết cách làm. Dần dần mình cũng đã hướng dẫn một số các bạn trẻ ở bản biết cách sử dụng công nghệ áp dụng vào sản xuất, mưu sinh”. Không chỉ là kênh bán hàng, kênh TikTok của Chảo Yến còn mang đến những câu chuyện thú vị về cộng đồng người Dao Tuyển thu hút đông đảo công chúng theo dõi.

Sau gần nửa năm thành lập hợp tác xã do Yến đứng đầu, đến nay đã quảng bá thành công một số mặt hàng như: Miến sâm đất, lá tắm dao đỏ, mật ong rừng...Đặc biệt, các bài thảo dược của người Dao cũng được đông đảo người dân quan tâm và đặt hàng thông qua gian hàng trên Tik Tok của Chảo Yến.

leftcenterrightdel
Kênh Tik Tok của Chảo Yến thu hút nhiều người quan tâm. 

Đồng chí Lù A Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Chạc cho biết: “Chảo Yến vốn sinh ra trong một gia đình rất khó khăn nhưng đã cố gắng vươn lên trong học tập và làm nhiều việc có ích cho xã hội, đặc biệt tại quê nhà. Những việc làm của Yến đã góp phần thực hiện dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”.

Bài: DIỆU HUYỀN - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan