Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và nhiều đề án khác được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.
 |
Đồng chí Nguyễn Huy Sắc (ngồi giữa) Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thăm hỏi người dân thôn Xín Chải, xã Xín Cái.
|
Đồng thời, cụ thể hóa các nghị quyết của tỉnh, huyện ban hành các chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các thôn giáp biên, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, giúp đồng bào dân tộc yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Là địa phương đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt; năm nay, thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của người dân, hàng nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu đói, trong mùa giáp hạt. Trước thực trạng đó, để ổn định đời sống cho nhân dân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động thực hiện rà soát tình hình đời sống của từng hộ dân. Lập danh sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, đồng thời huyện tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm từ các đoàn thiện nguyện, các đơn vị, cá nhân để hỗ trợ nhân dân trong mùa giáp hạt.
 |
Mèo Vạc chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: “Vụ giáp hạt năm 2023, huyện Mèo Vạc được Chính phủ hỗ trợ 75.150kg gạo cứu đói giáp hạt cho 993 hộ dân trên địa bàn 18 xã, thị trấn, gồm 5.010 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15kg/1 tháng. Đây là các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu lương thực mùa giáp hạt năm nay được các xã, thị trấn rà soát kỹ lưỡng. Việc cấp phát gạo kịp thời cho người dân không chỉ giúp các hộ đảm bảo lương thực, ổn định cuộc sống mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Là một trong những hộ nghèo được nhận gạo cứu đói giáp hạt vừa rồi, chị Giàng Thị Máy, thôn Cá Chúa Đớ, xã Giàng Chu Phìn bày tỏ: “Năm nay, thời tiết nắng hạn kéo dài, ngô nhà tôi bị mất mùa, rất may được Nhà nước hỗ trợ gạo nên gia đình tôi không còn lo lắng thiếu lương thực mùa giáp hạt. Tôi xin cảm ơn cấp ủy chính quyền địa phương và Chính phủ”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ hướng dẫn, hỗ trợ người dân xã Sơn Vĩ cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang. |
Bên cạnh số gạo được Chính phủ cấp, Mèo Vạc cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ bà con các phần quà gồm gạo, mì tôm, các loại gia vị, tiền mặt và gia súc với tổng giá trị hơn 120 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mèo Vạc được phân bổ với tổng kinh phí hơn 225,6 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã thực hiện 22 công trình và các dự án, tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các chương trình giảm nghèo, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số... tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả.
 |
Thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) là thôn biên giới, khởi sắc nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới. |
Một trong những dự án đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mèo Vạc triển khai tích cực chính là Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thuộc 10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Với địa bàn hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 những năm gần đây trên địa bàn huyện có chiều hướng ra tăng. Chính vì vậy, Dự án 8 có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Bà Hầu Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mèo Vạc cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã tổ chức tập huấn và cấp phát hơn 220 cuốn tài liệu về Dự án 8 cho Hội LHPN 18 xã, thị trấn. Tổ chức 9 hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông về định kiến giới, bạo lực gia đình, tảo hôn, mua bán trẻ em phụ nữ. Xây dựng 162 địa chỉ tin cậy, 16 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Thành lập được 177 Tổ Tuyên truyền cộng đồng với 965 thành viên…”.
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng các công trình điện, đường, trường học; các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển chăn nuôi; đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho lao động địa phương; hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 700 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo để góp phần nâng cao đời sống vật chất, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số.
 |
Hội LHPN huyện Mèo Vạc (Hà Giang) triển khai Dự án 8. |
Cụ thể hóa triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ khi triển khai đến nay, toàn huyện có 387 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp. Việc cải tạo vườn tạp đã từng bước đi vào đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây, làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con về chỉnh trang lại không gian nhà ở, vườn, chuồng nuôi gia súc được bố trí khoa học, hợp vệ sinh hơn trước khi cải tạo, thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình.
Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế; xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập, công tác, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan