Anh Hvinh Nut, người dân tộc Bahnar, hiện công tác tại Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (huyện Kbang, Gia Lai) đã nhiều năm tham gia làm du lịch cùng cộng đồng địa phương. Anh Nut cho biết, là người địa phương, am hiểu phong tục, văn hóa nên khách du lịch rất thích được người bản địa dẫn đường, giúp họ trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và thỏa sự tò mò về đời sống sản xuất, sinh hoạt.

“Nhóm chúng tôi hiện có 15 thành viên, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài làm du lịch, phần lớn các thành viên còn tham gia các tổ bảo vệ rừng nên thu nhập khá ổn định và nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng cũng thay đổi thấy rõ. Du khách tìm đến Kbang vì vùng đất này còn giữ được rừng, giữ được môi trường tự nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành. Đó là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách, phát triển du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng”, anh Nut chia sẻ.

leftcenterrightdel

Anh Hvinh Nut, người dân tộc Bahnar, huyện Kbang, (ngoài cùng, bên trái) và các thành viên tham gia quảng bá du lịch cộng đồng địa phương.

Theo anh Nut, việc làm du lịch giúp đồng bào dân tộc thay đổi từ nhận thức đến hành động. Thu hút cộng đồng bản địa làm du lịch cũng là mục tiêu phát triển bền vững của huyện Kbang. Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, du lịch giúp đồng bào nhận ra tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tự nhiên.

“Ngoài nộp thuế môi trường khi dẫn khách khám phá, chúng tôi xem bảo vệ tài nguyên rừng là trách nhiệm. Quá trình tiếp xúc với các đoàn du khách cũng giúp bà con hiểu sự cần thiết của thiên nhiên hoang sơ, bảo tồn văn hóa bản địa để thu hút khách. Dọn vệ sinh, không chặt phá cây rừng là yêu cầu bắt buộc của mỗi thành viên”, anh Nut nói.

Là người đồng bào dân tộc Bahnar xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Kbang, anh Đinh A Ngưi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi (xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ: “Thuận lợi lớn nhất khi làm du lịch cộng đồng, chính là việc đồng bào dân tộc được thừa hưởng thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, đường sá đi lại thuận lợi để du khách tìm đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ở các làng, các loại hình sử thi, có cồng chiêng, nghề truyền thống rất có sức thu hút với du khách vì sự độc đáo và mới lạ”.

Anh Đinh A Ngưi tập hợp các đội cồng chiêng, nghệ nhân hát sử thi, đội múa, đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, đan lát của làng đến phục vụ du khách tại homestay và các tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Những năm qua, công ty do anh Ngưi sáng lập đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 50 lao động là người dân tộc thiểu số.

Nói về các mô hình du lịch cộng đồng do đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Bahnar thực hiện, ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kbang cho biết: “Tại các làng văn hóa kiểu mẫu, làng nông thôn mới, huyện Kbang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ khách du lịch như hình thành các tổ ẩm thực, tổ văn hóa văn nghệ, tổ nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc...), phát triển các dịch vụ ẩm thực đặc trưng của địa phương như cơm lam, gà nướng, thịt heo nướng, ốc đá, rau dớn, măng le, đọt mây... Ngoài ra, mỗi làng nằm trong quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng đều có từ 1 đến 4 đội cồng chiêng. Trong đó có một đội chiêng nhỏ tuổi làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển các đội văn nghệ dân gian để phục vụ du khách khi có nhu cầu”.

leftcenterrightdel

Anh Đinh A Ngư (người đứng giữa) hướng dẫn nhân viên là đồng bào dân tộc tập các tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống phục vụ khách du lịch. 

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh, du lịch cộng đồng là loại hình đem lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc giảm nghèo.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng còn góp phần bảo tồn, phát huy các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào Bahnar, Jrai. Tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có giá trị rất lớn để khai thác loại hình du lịch nhân văn này. Ngoài ra, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương cũng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch cộng đồng, những người đồng bào Bahnar có kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành hoạt động du lịch cho rằng, vướng mắc và cũng là khó khăn lớn nhất chính ở nhận thức của bà con, vì bản chất của loại hình du lịch này là phải dựa vào bà con và cần sự chung tay của cả người dân và các cấp chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.