Điều đó được thể hiện qua những số liệu cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, người dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu mét vuông đất để làm đường và các công trình phúc lợi khác. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với bình quân khoảng 260.000 tỷ đồng/năm, trong đó mức huy động xã hội chiếm hơn 70%, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng, người dân. Phương pháp dùng cộng đồng để vận động cộng đồng phát huy hiệu quả rõ rệt.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN

 

Đà Bắc là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bằng mọi nguồn lực, đặc biệt là biết cách phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, xã Tú Lý đã trở thành xã đầu tiên của huyện Đà Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Hiến đất phục vụ xây dựng các công trình là điểm sáng trong thực hiện nông thôn mới tại xã Tú Lý. Ông Nguyễn Đình Sướng, người dân xã Tú Lý cho biết: “Từ khi có chính sách Nhà nước cấp xi măng, còn sỏi, đá, ngày công thì vận động nhân dân tự làm, đến nay, các con đường tại xã chúng tôi đã được bê tông hóa. Khi triển khai làm đường, có tình trạng đường đi qua nhiều ruộng của người dân, dẫn đến những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, được sự vận động của chính quyền nên bà con đều đồng lòng hiến đất, kết quả là đường xung quanh làng bản đã được bê tông hóa”.

Cùng với mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình phát triển sinh kế, xóa đói, giảm nghèo cũng trở thành phong trào rộng khắp. Hàng loạt dự án, mô hình kinh tế được hình thành ở các địa phương vừa hỗ trợ con giống vật nuôi, vừa tăng cường bồi dưỡng kỹ thuật cho người dân, đưa các mô hình mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu triển khai ở từng địa phương. Nhờ đó, người dân đang ngày càng có cơ hội phát huy được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó và phối hợp sáng tạo ngay trong cộng đồng.

Còn ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, việc canh tác của người dân rất vất vả và kém hiệu quả. Nhằm khắc phục khó khăn đó và tạo sinh kế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, với kỳ vọng giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Tại huyện Quản Bạ, năm 2021, toàn huyện có 41 hộ nghèo, 64 hộ cận nghèo tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp. Thực tế, không phải đến khi tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết 05/NQ-TU, việc cải tạo vườn tạp mới được triển khai, mà nhận thấy lợi ích của hoạt động này nên nhiều gia đình đã chủ động thực hiện từ trước đó, như gia đình anh Ma Minh Đình, ở xã Lùng Tám (Quản Bạ). Cách đây hơn 4 năm, học hỏi từ các mô hình ở nhiều nơi, anh Đình bắt đầu có ý tưởng chuyển đổi đất vườn đang trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả. Anh mua đất về để bổ sung vào các hốc đá và tiến hành trồng thử nghiệm cây ổi, sau một năm thấy có hiệu quả, diện tích trồng ổi được anh mở rộng, kết hợp với chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh đã có thể chờ đến mùa ổi kết trái để thu hoạch. Gia đình anh Đình không phải là hộ dân duy nhất ở Hà Giang biết thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tìm cách thích ứng và khắc phục khó khăn, tận dụng những lợi thế có sẵn ở địa phương và sự hỗ trợ từ các chính sách, mà nhiều gia đình khác cũng đã biến những mảnh đất khô cằn, sỏi đá trở nên giàu sức sống hơn.

Có thể nói rằng, cùng với tiếp thêm các nguồn hỗ trợ cho đồng bào DTTS, điều quan trọng hơn hết là phải khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong cộng đồng nơi họ sinh sống, từ đó kích hoạt các nguồn nội lực hiện có và hình thành tinh thần chủ động để các đối tượng thụ hưởng phát huy hiệu quả sự hỗ trợ từ bên ngoài, từng bước thay đổi cuộc sống.

HIẾU ANH