Tuy nhiên, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển dịch mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội đã được tập trung giải quyết triệt để, nhất là về đất sản xuất, nhà ở, việc làm...

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng nghìn hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nâng cao đời sống. Như huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Là hộ được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị H’Núi M’Lô ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar cho biết: “Trước đây, gia đình tôi không có vốn, thiếu đất sản xuất nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Năm 2018, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản và phân bón chăm sóc vườn cà phê, từ đó thu nhập gia đình được nâng lên. Đến cuối năm 2021, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo”.

leftcenterrightdel
Thu hoạch cà phê tại một nông hộ ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Ảnh: TTXVN 

Còn tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát hộ nghèo cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cán bộ xã. Với địa phương có gần 100% dân số là đồng bào DTTS, một số hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc sát sao từng hộ dân vừa nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường của bà con, vừa giúp việc thoát nghèo được thực hiện đúng theo nguyện vọng, mong muốn.

Năm 2022, xã Đinh Trang Thượng đã hỗ trợ cho 163 hộ đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 2 tỷ đồng từ nguồn quỹ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng để bà con đầu tư vào phát triển các mô hình kinh tế theo nguyện vọng. Như trường hợp của anh K’Tơm, với nguyện vọng trồng dâu, nuôi tằm để nâng cao thu nhập, gia đình anh được chính quyền xã Đinh Trang Thượng hỗ trợ gần 4 triệu đồng để mua cây giống, tằm giống và phân bón. Sau chưa đầy 3 tháng, anh K’Tơm đã thu được gấp đôi số tiền vốn bỏ ra.

Ngoài các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai suốt nhiều năm qua, giai đoạn hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình là gần 138.000 tỷ đồng, đối tượng thụ hưởng bao gồm xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chương trình được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi thay cho vùng DTTS và miền núi ở các tỉnh Tây Nguyên, bởi chương trình nhằm tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với nguồn ngân sách lớn, chủ yếu tập trung cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đây sẽ là động lực để các địa phương ở Tây Nguyên bứt phá, thay đổi đời sống cho bà con nhân dân.

HIẾU ANH