Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có các dân tộc đặc biệt khó khăn: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Dân số khoảng 30.000 người, trong đó trên 95% là dân tộc thiểu số (DTTS). Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 39,4% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2026). Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Nậm Nhùn được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án. Cấp ủy, chính quyền huyện luôn trăn trở tìm giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện.

Theo đó, huyện đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tăng cường chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tới công tác giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội; phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý của từng xã để nâng cao thu nhập. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

leftcenterrightdel

Mô hình chăn nuôi bò tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn hiệu quả kinh tế cao.   

Đồng chí Vũ Tiến Hóa - Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Huyện luôn quan tâm nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong sử dụng nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS, biên giới, dân tộc đặc biệt khó khăn. Các dân tộc có điều kiện để phát triển như nhau, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển chung của huyện. Việc phát triển kinh tế vùng DTTS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trên địa bàn và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi có mặt tại Nậm Pì, một trong những xã khó khăn nhất của huyện. Để từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể và chi bộ các bản nhiều năm qua tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vận dụng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, hỗ trợ sinh kế từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội phát triển qua từng năm.

Chủ tịch UBND xã Nậm Pì, ông Vũ Văn Thân cho biết: “Xã tập trung vào hai lĩnh vực là chăn nuôi và trồng trọt. Về chăn nuôi, chúng tôi vận động bà con chăn nuôi đại gia súc theo hướng chuồng trại, trong đó nuôi trâu, bò là chủ yếu. Đối với trồng trọt, vận động bà con trồng quế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Những năm vừa qua, tỷ lệ giảm nghèo của xã đạt bình quân 4-5%/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; xã đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt so với thời điểm xã mới chia tách”.

leftcenterrightdel

Từ các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Nậm Nhùn có cơ hội vươn lên thoát nghèo. 

Được biết, huyện còn chú trọng lồng ghép các chính sách ưu tiên cho đồng bào DTTS với các chương trình mục tiêu quốc gia. Sử dụng đúng mục đích nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã, bản đặc biệt khó khăn, trọng tâm là giảm nghèo trong đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; quan tâm đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình điểm để nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Nhờ đó đến nay, huyện đã hình thành vùng cây ăn quả gần 500ha, vùng trồng quế hơn 560ha, phát triển đàn vật nuôi trên 200.000 con, mở rộng hàng trăm lồng cá trên các lòng hồ thủy điện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện, nhất là DTTS có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Tất cả các bản đều có đường xe máy, trên 70% số bản có đường ôtô, trên 92% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi tăng. Đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm hơn trước; bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy.

Từ các giải pháp đồng bộ được thực hiện đã góp phần thay đổi đời sống của người dân ở huyện Nậm Nhùn. Củng cố niềm tin của bà con vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Nậm Nhùn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

KHÁNH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.