Cùng Trung tá Lưu Văn Ánh, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Đam Rông, Lâm Đồng đến thăm hộ gia đình bà Ntơr K’Pong (dân tộc M’Nông) tại thôn Đa Sế, xã Đạ M’Rông, chúng tôi được tìm hiểu rõ hơn mô hình phát triển kinh tế trồng dâu nuôi tằm do các cấp hỗ trợ.

Trước đây, gia đình bà Ntơr K’Pong chủ yếu trồng cà phê, ngô, lúa nhưng do điều điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp nên năng suất thấp. Gia đình có 8 nhân khẩu, kinh tế thường xuyên khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo của xã.

 Đại diện Ban CHQS huyện Đam Rông và chính quyền xã Đạ M'Rông đến thăm gia đình có mô hình sản xuất hiệu quả.

Từ năm 2017, được sự vận động, hỗ trợ của LLVT huyện và các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, gia đình bà Ntơr K’Pong chuyển sang mô hình trồng dâu nuôi tằm và mô hình này đã cho hiệu quả tích cực.

Với tinh thần chịu khó lao động, học tập kinh nghiệm, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, mở rộng được mô hình sản xuất. Hiện nay, trừ chi phí đầu vào, nguyên liệu, gia đình thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định kinh tế, chăm lo con cái học tập.

Bà Ntơr K’Pong chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ do phải thay đổi tập quán sản xuất nhưng được các chú bộ đội và chính quyền tận tình hướng dẫn, chúng tôi đã chủ động được việc trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, còn hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình xung quanh cùng nhân rộng mô hình. Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi chính quyền đã kết nối, giúp đầu ra sản phẩm tốt hơn”.

 Bà Ntơr K’Pong giới thiệu về mô hình nuôi tằm giúp gia đình thoát nghèo.

Là người gắn bó rất lâu với vùng đất Đam Rông, theo Trung tá Lưu Văn Ánh, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Đam Rông, để thay đổi được tập quán sản xuất, lối sống vươn lên, biết tiết kiệm cho người dân đồng bào các dân tộc được ví như cuộc “cách mạng” ở huyện Đam Rông. Trước đây, đồng bào các dân tộc chủ yếu lao động sản xuất với tinh thần đủ ăn, chưa chú trọng hiệu quả kinh tế, cũng như phát huy những mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tiềm năng, điều kiện của vùng đất Đam Rông. Cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhiều đơn vị đồng hành đã chung sức vận động, hỗ trợ, thậm chí “cầm tay chỉ việc” để người dân đổi mới trong làm kinh tế.

“Chúng tôi chọn làm thí điểm ở những hộ gia đình nòng cốt. Thu nhập tăng lên và các gia đình thoát nghèo là minh chứng rõ nét nhất để địa phương nhân rộng, khuyến khích người dân học tập, làm theo. Hộ gia đình bà Ntơr K’Pong là một điển hình như vậy”, Trung tá Lưu Văn Ánh chia sẻ kinh nghiệm.

Xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, M’Nông và Cil, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần so với năm 2015. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 16,7%. Thành tựu trên là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, LLVT địa phương trong giúp đỡ nhân dân chuyển đổi sản xuất, vận động hỗ trợ các sinh kế thiết thực cho người dân.

Đồng chí Kră Jăn K’Hương, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đạ M’Rông cho biết: “Điều đáng mừng nhất là người dân đã thay đổi nhận thức, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, biết chí thú làm ăn. Cấp ủy, chính quyền xã cũng cảm ơn LLVT đã chung sức bám thôn, bám xã, vận động hỗ trợ người dân từ việc xây dựng nhà tình nghĩa quân dân, các công trình công cộng đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp nâng cao dân trí, loại bỏ dần hủ tục, tích cực xây dựng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. Qua đó, thiết thực bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.

 Bộ mặt nông thôn huyện Đam Rông có nhiều đổi mới trong thời gian gần đây.

Toàn huyện miền núi Đam Rông có 22 dân tộc anh em sinh sống. Trở lại nơi vùng sâu, vùng xa này của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chứng kiến được nhiều đổi thay từ diện mạo nông thôn đến đời sống của người dân. Tuy vậy, trăn trở lớn nhất của lãnh đạo huyện là vẫn còn 4/8 xã chưa về đích xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đánh giá tình hình, điều kiện thực tế, LLVT huyện đã tham mưu, phối hợp triển khai công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các mô hình, công trình bảo đảm hiệu quả thiết thực, lâu dài, bền vững, gắn với định hướng, quy hoạch phát triển ở địa bàn.

Bên cạnh dựa vào nội lực, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt”, LLVT huyện đã tích cực tham mưu cho các cấp triển khai nhiều chương trình, biện pháp tạo sự lan tỏa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia giúp dân. Những phần việc được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao là hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đường giao thông nông thôn, phát triển kinh tế hộ gia đình, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí...

 Các lực lượng ra quân làm công tác dân vận tập trung tại huyện Đam Rông.

Đặc biệt, các đợt ra quân làm công tác dân vận tập trung do Ban chỉ đạo 502 huyện (Ban chỉ đạo chương trình phối hợp giữa LLVT với các tổ chức chính trị - xã hội) đã có hiệu ứng tích cực, có tác động lớn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với xây dựng nhà tình nghĩa, các cơ quan, đơn vị, trong đó nòng cốt là LLVT đã ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh... góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Quan trọng hơn, các đợt dân vận tập trung đã động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc cùng nâng cao trách nhiệm, tham gia xây dựng, giữ gìn cảnh quan, môi trường sống của gia đình và cộng đồng.

Đánh giá về hiệu quả công tác dân vận thời gian qua, đồng chí Đa Cắt K’Hương, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy huyện Đam Rông cho biết: “Đam Rông là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh với 65% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, hằng năm huyện xác định thực hiện tốt công tác dân vận để huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, LLVT huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong Ban chỉ đạo 502 để tổ chức công tác dân vận với những việc làm, công trình thiết thực, nhằm sẻ chia, giúp đỡ đời sống, sinh hoạt của đồng bào, tạo diện mạo mới vùng sâu, vùng xa của địa phương”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.