Từ thành phố Đà Lạt, chúng tôi vượt qua quãng đường đèo dốc dài gần 150km về với trung tâm huyện Đam Rông. Với chúng tôi, Đam Rông dẫu xa mà không lạ bởi lâu nay những địa danh như: Đèo Chuối, đèo Phú Sơn, Đạ K’Nàng, Đạ Long, Đạ Tông đã in dấu bước chân trong từng chuyến công tác. Nhắc tới Đam Rông là nhắc tới sự xa xôi, nghèo khó. Cách đây chưa lâu, tôi cũng đã từng có dịp ngồi trong nhà Ban CHQS huyện Đam Rông với những người “lính góp” vì huyện mới thành lập với hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều được điều động từ nơi khác tới. Trong cơn mưa rừng lê thê, nghe họ kể về những khó khăn, vất vả, tôi đã thầm nghĩ chỉ cần họ yên tâm gắn bó với vùng đất mới và hoàn thành nhiệm vụ cũng là điều rất đáng tự hào...

Huấn luyện sử dụng súng máy phòng không 12,7mm của lực lượng dân quân huyện Đam Rông. 
Thế nhưng, ấn tượng đầu tiên khi đến Ban CHQS huyện Đam Rông hiện nay là khung cảnh doanh trại khang trang, sạch đẹp. Nội vụ, vệ sinh sạch sẽ, thống nhất. Khu tăng gia sản xuất tập trung gồm vườn rau, ao cá, chuồng heo, vườn cà phê được quy hoạch bài bản. Dù mới đi vào hoạt động khoảng một năm nay, nhưng khu tăng gia sản xuất đã mang lại cho đơn vị nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Thượng tá Phan Ngọc Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đam Rông phấn khởi cho biết: "Năm 2015, LLVT địa phương có bước chuyển biến toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đảng bộ quân sự huyện đạt “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”, Ban CHQS huyện được tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh Lâm Đồng, được Bộ tư lệnh Quân khu 7 công nhận “Đơn vị vững mạnh toàn diện”. Bí quyết là do đơn vị đã tập trung thực hiện tốt nhiều khâu đột phá".

Thành tích trên quả là ấn tượng bởi nhiều năm trước đó, đơn vị chưa có thành tích gì nổi bật. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, yếu tố đầu tiên xuất phát tinh thần đoàn kết và quyết tâm thay đổi của tập thể đơn vị. Trước đây, do huyện mới thành lập, đội ngũ cán bộ được điều động từ nơi khác tới, thường xuyên luân chuyển nên thường có tâm lý “nhiệm kỳ”, “nín thở qua sông”, từ đó ít tâm huyết, gắn bó với đơn vị. Bên cạnh đó, tư tưởng tự bằng lòng, thỏa mãn, “vin” vào cái cớ mình là đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn nên thành tích không cao là "trở lực" cho sự phát triển. “Để khắc phục vấn đề này, cấp ủy, chỉ huy tập trung củng cố mối quan hệ đoàn kết nội bộ; động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần tận tâm tận lực với đơn vị; khắc phục tâm lý tự ti, tự bằng lòng thỏa mãn. Khơi dậy tinh thần, trách nhiệm và khả năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong công tác”-Trung tá Cao Xuân Dưỡng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đam Rông giải thích.

Trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, Ban CHQS huyện đã có nhiều đổi mới, đề xuất được nhiều giải pháp thiết thực như: Giúp thường vụ huyện ủy ra nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo và hoạt động của các chi bộ quân sự xã; tham mưu cho UBND thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng lực lượng, chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và đầu tư xây dựng các công trình thiết thực phục vụ hoạt động của Ban CHQS huyện như trạm súng máy phòng không, khu tăng gia sản xuất tập trung, sân thể thao, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác. “Công tác tham mưu chính xác, kịp thời không chỉ giúp cho thường vụ huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự quốc phòng hiệu quả mà còn giúp đơn vị tranh thủ được nhiều nguồn lực quý giá để xây dựng đơn vị”-Thượng tá Phan Ngọc Dũng khẳng định.

Một trong những kết quả nổi bật của Ban CHQS huyện Đam Rông thời gian gần đây là công tác xây dựng lực lượng mà mấu chốt là nâng cao chất lượng chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu của ban CHQS các xã; của lực lượng dân quân, tự vệ. Giải pháp chính là duy trì nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện; luôn bảo đảm 3 đủ: Quân số, thời gian và nội dung trong huấn luyện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, hội thao nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm; thường xuyên cử đội ngũ cán bộ đi bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ; đặc biệt Ban CHQS huyện thường xuyên cử cán bộ xuống các xã bám, nắm tình hình và hỗ trợ ban CHQS xã trong các mặt hoạt động. Nhờ đó chất lượng chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị cơ sở không ngừng được nâng lên. Năm 2015, kết quả huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ có 100% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 75% đạt khá, giỏi; huy động lực lượng dự bị động viên tham gia huấn luyện đạt gần 98%; đến nay toàn huyện có 6/8 chi bộ quân sự xã có chi ủy, đạt tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh.

Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững  theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm gần đây, đời sống của nhân dân địa phương có nhiều tiến bộ. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện là 52,22%, đến năm 2015 giảm xuống còn dưới 7,5%. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của LLVT tỉnh mà trực tiếp là các cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện nhà. Điều này được thể hiện qua phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” với hàng loạt dự án, công trình như đường giao thông nông thôn, nhà tình thương tình nghĩa, giếng nước sinh hoạt, hội trường, trường mầm non, hệ thống kênh mương thủy lợi… đã và đang thực hiện tại địa phương. Ngoài tham gia các hoạt động chung của LLVT tỉnh, Ban CHQS huyện còn trực tiếp giúp đỡ thôn 2, xã Rô Men xây dựng nông thôn mới. Kết quả công tác dân vận không chỉ đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đơn vị mà còn giúp cho bộ mặt vùng sâu Đam Rông ngày thêm khởi sắc.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG