QĐND - Đã bao đời nay, đồng bào các dân tộc Ê Đê, Mơ-nông, Cơ Ho sinh sống trên dãy Nam Trường Sơn vẫn thường gọi hai con sông lớn chảy phía mặt trời lặn là sông Cha (Krông Nô) và sông Mẹ (Krông Ana). Khởi nguyên từ những đỉnh núi lửa ngủ vùi dưới tán đại ngàn xanh thẳm, cũng từ nơi đây, cuộc sống bao đời gian khó, cách biệt của đồng bào các dân tộc giờ đang đổi thay mạnh mẽ với sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ. Về Đam Rông hôm nay, dẫu còn nhiều gian nan, chúng tôi đã chứng kiến những nụ cười trên gương mặt người dân...

Con đường đi qua gian khó

Dải đất Đam Rông như chiếc cầu treo trên đỉnh núi. Từ thành phố Đà Lạt đến trung tâm huyện phải vượt qua quãng đường hơn 100 cây số và hai ngọn đèo dài, cao chất ngất. Quá trưa đỉnh đèo Phú Sơn vẫn như chìm trong đêm bởi sương mù dày đặc, cách nhau vài bước chân chỉ nghe tiếng nói, không rõ mặt người, xe bật đèn cốt dò dẫm bò đi. Hết đèo Phú Sơn là xã Phi Liêng, qua ô cửa xe, buôn làng, nương rẫy như chao như liệng theo nhịp sóng núi đồi. Vượt qua đèo Chuối, thị trấn Bằng Lăng hiện ra dưới thung lũng. Nói thị trấn cho “oai” chứ thực chất vẫn chỉ là 2 thôn của xã Rô Men và Liêng S’Ronh cộng lại. Hai bên đường là vài chục ngôi nhà cấp 4, một số vẫn trong tình trạng tạm bợ đem lại cảm nhận ban đầu cho khách là sự ngổn ngang, nghèo khó. Như hiểu được nỗi lòng chúng tôi, anh Dương Thái Hội, Phó chánh văn phòng UBND huyện phân trần: “So với vài năm trước Đam Rông đã có nhiều tiến bộ”, rồi anh chỉ về phía trung tâm huyện: “Cách đây 4 năm, khu vực này chỉ là bãi đất trống đầy lau sậy, dã quỳ”.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng nạo vét kênh mương thủy lợi giúp dân.

Huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng được thành lập tháng 12-2004 trên cơ sở sáp nhập 3 xã của huyện Lạc Dương và 5 xã của huyện Lâm Hà. Địa giới hành chính trải rộng dưới chân những đỉnh núi cao: Bi Doup 2.287m, Lang Biang 2.167m, Chư Yang Sin 2.442m. Một cán bộ ở đây nói đùa: Đam Rông là sự kết hợp của hai cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới lớn hơn và… nghèo hơn. Khi thành lập, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hơn 80%, Đam Rông cũng là một trong những huyện khó khăn nhất cả nước được triển khai thực hiện chương trình 30A của Chính phủ, vì vậy “cuộc chiến” xóa đói nghèo, lạc hậu đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện.

Với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2005 đến nay, huyện tập trung thực hiện 5 chương trình kinh tế xã hội trọng điểm: Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; phát triển hạ tầng; đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân sản xuất. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã vấp phải rất nhiều lực cản mà trong đó tập quán, trình độ nhận thức của đồng bào là “điểm nghẽn” cơ bản. Bà con thiếu vốn, giống, phân bón, phương tiện đã có nhà nước hỗ trợ nhưng có người nhận về chẳng biết làm gì, thậm chí còn lấy thóc giống, phân bón, dầu hỏa nhà nước cấp đi đổi rượu, thịt để... nhậu. Có gia đình được vay vốn chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng nhưng chỉ vài tháng sau heo, gà lăn ra chết do dịch bệnh, chuối, cà-phê còi cọc không lớn nổi. Vậy là cụt vốn, đã nghèo lại nghèo hơn. Để giải quyết vấn đề này, một mặt huyện tập trung thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, vận động bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giao đất, giao rừng, xây dựng những mô hình điểm như: Nuôi gà thả vườn ở xã Phi Liêng, trồng cà-phê Catimor, lúa nước, nuôi bò ở Đạ Tông, Đạ Long… qua đó giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất.

Vài năm trở về trước, những người mơ mộng và lạc quan nhất có lẽ cũng không thể hình dung được có một ngày có thể đi từ Đạ Long ra Bằng Lăng chỉ mất vài chục phút. Anh Kơ Dê Ha Săl ở thôn Đạ Kao nhớ lại: Trước khi có đường, bà con dưới chân núi Lang Biang phải gùi hàng vượt núi hết một ngày ra thị trấn Lạc Dương đổi nhu yếu phẩm muối, dầu, sau đó lại mất một ngày cắt rừng, vượt núi trở về. Đấy là vào mùa khô, còn mùa mưa nước đầu nguồn Krông Nô dâng cao, núi rừng ào ào lũ ống, lũ quét, 6 tháng trời vùng Đầm Ròn như tách biệt hẳn với xung quanh. Bây giờ xuyên qua các xã Đạ Tông, Rô Men, Đạ Long là con đường trải nhựa phẳng lỳ và 4 cây cầu mới. Việc học tập của con em trở nên thuận tiện, bà con không còn phải gùi bắp, chuối, cà phê đi bộ hàng chục cây số ra ngoài Quốc lộ 27, xe ô tô đã vào tận nơi thu mua nông sản, vừa đỡ tốn công vận chuyển lại bán được giá cao. Những con đường mới mở khác như đường nội bộ Bằng Lăng, đường Đạ MRông - Đạ Rsal đã phá thế cô lập giữa các vùng trong huyện, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay bộ mặt kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương đã có những bước tiến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện hằng năm giảm 20%, 8 xã đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có trường cấp 1, cấp 2, toàn huyện có 2 trường cấp 3, hàng trăm hộ dân di cư tự do đã được bố trí định cư tại các tiểu khu 218, 212, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy cơ bản chấm dứt. Có thể nói công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương đã có những bước tiến dài hiệu quả.

Khi có bộ đội tiếp sức

Chị Liêng Hót Ca Măng thôn Mê Ka, Đạ Tông sẽ chẳng bao giờ quên được niềm vui bất ngờ mà các chú bộ đội dành cho chị trong buổi sáng 21-6-2012. Chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, nỗi đau bệnh tật và gánh nặng gia đình khiến chị trở thành người đàn bà già hơn tới vài chục tuổi so với tuổi 30 của chị. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, Đoàn kinh tế quốc phòng tỉnh Lâm Đồng đã tặng gia đình chị 1 con bò trị giá 15 triệu đồng, năm 2012, có 74 hộ nghèo trong huyện đã được nhận bò như gia đình chị Ca Măng.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu ở Đam Rông những năm qua đã in dấu sâu đậm công lao của những người lính thuộc LLVT tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng, huyện đội Đam Rông và Đội công tác 123. Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Kim Sinh khẳng định: Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các đồng chí còn là “bà đỡ” mát tay cho nhiều dự án xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nhà K’Dê Ha Mi, thôn Đạ Kao 1, xã Đạ Tông bên giếng nước mới do cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng xây tặng.

Theo Thượng tá Trần Cơ, Đội trưởng Đội 123 (Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng) thì để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đội viên trong Đội công tác 123 phải xuất phát từ trách nhiệm và tình cảm chân thành. Nếu làm chỉ vì nhiệm vụ, cho có, cho xong bà con sẽ không bao giờ tin và nghe theo. Phải “nói thiệt tình, làm nhiệt tình, đến từng nhà, rà từng đối tượng”. Mình là bộ đội nhưng cũng là một tuyên truyền viên, nông dân, bác sĩ, nhân viên thú y, thợ xây thực thụ… vì bà con muốn xem mình làm chứ không chỉ muốn nghe mình nói, vì thế hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ngày ngày ra đồng, lên nương cùng bà con đã trở nên quen thuộc. Già làng Liêng Hót Xiêng kể: “Từ đầu năm 2012 đến nay, Đoàn kinh tế quốc phòng đã cấp bắp giống, bò giống, xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn, trồng cà phê cho các hộ nghèo trị giá 1,5 tỷ đồng. Vừa qua, Đam Rông cũng là địa phương được Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng tổ chức làm điểm trong phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngay sau khi phát động phong trào, 100 cán bộ, chiến sĩ đã hành quân về Đam Rông làm công tác dân vận. Trong thời gian một tuần, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tặng bò cho 16 hộ nghèo, làm 4 tuyến đường liên thôn, 2 cầu và 2 giếng nước. Có bộ đội giúp, đồng bào bớt nghèo, bớt khổ. Cái gì không biết bộ đội dạy, cái gì thiếu bộ đội cũng cho”.

Công tác tại địa phương xa xôi và khó khăn, cán bộ, chiến sĩ ngoài ý thức về nghĩa vụ còn là tình cảm chân thành, sâu nặng với mảnh đất, con người Đam Rông. Huyện mới thành lập nên hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều được điều động, tăng cường từ các đơn vị khác tới. Xa nhà, xa vợ con, đồng lương có hạn, có người con bị bệnh hiểm nghèo nhưng ở xa không giúp được nhiều, có người không kịp cứu đứa con thơ vì quãng đường từ huyện lên tỉnh quá xa. Có đơn vị chỉ vài người, nhưng mỗi ngày cũng trích ra vài lạng gạo để cuối tháng có 10 cân gạo giúp 1 hộ gia đình túng bấn, mỗi khi trả phép ai nấy đều thu gom quần áo cũ trong nhà và vận động từ các gia đình hảo tâm mang theo, đồng bào ai cần thì cho. Những vất vả riêng tư và việc làm ân tình ấy họ coi như chuyện đương nhiên không cần phải kể, cũng chẳng phải nêu tên.

Đam Rông hôm nay chưa hết nghèo nhưng đã có nhiều đổi mới, mảnh đất này còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Những đỉnh núi cao bốn mùa sương giăng mây phủ, những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, dòng suối nước nóng Đạ Long phun trào sôi sục ngày đêm, thác Bảy Tầng, thác Tình Tang nguyên sơ hùng vĩ, những bản trường ca Mơ Nông lãng mạn, những đêm hội cồng chiêng rộn rã đang là lời gọi mời hấp dẫn, là tiềm năng du lịch to lớn. Với những thành công trên con đường đã qua và sự đồng hành, tiếp sức của bộ đội Cụ Hồ, chắc chắn trong tương lai không xa Đam Rông sẽ trở thành miền quê giàu đẹp.

Bài và ảnh: Vũ Đình Đông