Đứng chân trên địa bàn xã Sơn Vĩ, là một xã nghèo, nằm ở vị trí cao nhất và xa nhất của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Đồn Biên phòng Sơn Vĩ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 17,457 km, tiếp giáp với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với tổng số 35 cột mốc (30 mốc chính, 5 mốc phụ).

Thiếu tá Nông Quang Lập, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) kiểm tra đàn bò gia đình anh Thò Mí Già, thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) 

Xã Sơn Vĩ gồm 19 thôn (có 9 thôn giáp biên), có 1.380 hộ, hơn 7.800 nhân khẩu, 10 dân tộc thiểu số cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 80%. Địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ luôn tích cực trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế.

Một trong những chương trình, mô hình mang lại hiệu quả cao được đơn vị triển khai từ giữa năm 2013 đó là mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển. Từ 16 con bò giống hỗ trợ cho 16 hộ nghèo ban đầu tại 3 thôn: Cò Súng, Lũng Chỉn và Lẻo Chá Phìn A; đến nay sau 10 năm thực hiện, đàn bò đã nâng lên 71 con, luân chuyển cho 48 hộ gia đình, đồng thời nhân rộng thêm các hộ tại thôn Trà Mần. Đặc biệt, từ việc không có bò để chăn nuôi, cày nương, giờ đây nhiều hộ gia đình đã nhân rộng được từ 2 đến 3 con bò. Đã có 38 hộ nghèo đã thoát khỏi hộ nghèo từ chương trình này.

Anh Thò Mí Già, thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) đang chăm sóc bê con được sinh ra từ bò giống do Đồn Biên phòng Sơn Vĩ hỗ trợ. 

Gia đình anh Thò Mí Già, thôn Cò Súng là một trong những hộ hiện đang được thụ hưởng từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển của đơn vị. Từ khi lấy vợ và được bố mẹ cho ra ở riêng, dù chăm chỉ làm ăn nhưng vợ chồng anh Già vẫn không dành dụm đủ tiền để mua bò về chăn nuôi, cày nương.

Anh Già bày tỏ: “Nhờ được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ hỗ trợ một con bò giống để nuôi. Sau hơn một năm thì bò mẹ đã sinh ra một bê con. Vợ chồng tôi mừng lắm, chúng tôi đang cố gắng chăm sóc cho bê con mau lớn”.

Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (BĐBP Hà Giang) hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống vườn rau của gia đình chị Lầu Thị Mỷ, thôn Cò Súng luôn xanh tốt. 

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện tiểu dự án 3 về phát triển kinh tế-xã hội mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương xuống hướng dẫn người dân quy hoạch, sắp xếp bố trí lại không gian vườn từng hộ hợp lý, khoa học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Huy động lực lượng giúp đỡ người dân ngày công lao động, hỗ trợ vật tư, cây, con giống, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi năm đơn vị hỗ trợ hơn 500 ngày công tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, đơn vị đang thực hiện 6 mô hình giúp 6 hộ gia đình “Cải tạo vườn tạp” tại các thôn: Cò Súng, Lũng Chỉn, Xín Chải và Lẻo Chá Phìn B. Qua đánh giá, tiến độ các mô hình phát triển tốt, người dân đã dần thay đổi tư duy, tích cực tham gia trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (BĐBP Hà Giang) hướng dẫn chị Lầu Thị Mỷ, thôn Cò Súng cách cải tạo vườn tạp. 

Chị Lầu Thị Mỷ, thôn Cò Súng, hộ gia đình đang được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện cải tạo vườn tạp chia sẻ: “Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sơn Vĩ giúp đỡ, hướng dẫn cách trồng các loại rau theo mùa vụ, chăm sóc gia súc, gia cầm, giờ gia đình không chỉ có rau để ăn hằng ngày, mà còn có rau để mang bán ra thị trường. Chúng tôi cũng đã biết cách chăm sóc bò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Thiếu tá Nông Quang Lập, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cho biết: “Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời chúng tôi cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống tận hộ gia đình cầm tay, chỉ việc hướng dẫn phát triển kinh tế. Qua đó góp phần làm chuyển biến tư duy, nhận thức của người dân tự vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Đánh giá về các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, ông Thào Mí Sính, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ khẳng định: “Đồn Biên phòng Sơn Vĩ luôn tích cực phối hợp cùng chính quyền xã tuyên tuyền hỗ trợ người dân vùng biên phát triển kinh tế. Các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo của xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia”.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan