Chị Lù Thị Thắm cư trú tại thôn Quý Quân, xã Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) vừa sinh con được 2 tháng. Đây là con thứ hai của gia đình chị. Dù đã một lần sinh và chăm con nhưng những kiến thức mà các chị em trong chi hội phụ nữ trao đổi, chia sẻ chưa bao giờ là thừa. Những buổi đến thăm nhà là những lúc mà các chị em được trao đổi, chia sẻ với nhau.
“Nhờ được các chị em thường xuyên đến chia sẻ nên từ lúc sinh con xong, các thủ tục, giấy tờ liên quan đến con tôi đã hoàn thiện xong; việc chăm sóc con với tôi cũng dễ dàng hơn khi được chị em tận tình hướng dẫn", chị Lù Thị Thắm tâm sự.
 |
Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang (thứ 2 từ phải sang, hàng đầu) tham gia cải tạo vườn tạp giúp đỡ gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang). Ảnh: Hội LHPN tỉnh Hà Giang |
Chị Đặng Thị Hồi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Quý Quân, xã Kim Ngọc cho biết: “Các chị em phụ nữ trong thôn, trong xã thường xuyên cùng nhau chia sẻ kiến thức chăm sóc con cái. Việc làm này đã được thực hiện từ lâu, tuy nhiên từ khi thực hiện Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì hoạt động này lại càng được quan tâm hơn”.
Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang. Các chị em phụ nữ được tham gia nhiều hoạt động bổ ích và cũng có những gói hỗ trợ thiết thực. Để được hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn, các chị em phải đảm bảo sinh đẻ đúng kế hoạch, không vi phạm luật hôn nhân gia đình, một điều kiện nữa là chị em phải thăm khám và sinh tại các cơ sở y tế đảm bảo.
 |
Hội LHPN huyện Bắc Quang (Hà Giang) tổ chức Lễ phát động truyền thông về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Hà Giang |
Chị Lý Thị Mong trú cùng thôn Quý Quân, là một trong những phụ nữ đang mang thai, thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn. Qua tư vấn của Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn, chị lại càng chắc chắn quyết định sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang.
Chị Mong bày tỏ: “Khi được hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn, tôi được hỗ trợ tã, quần áo, đồ cho trẻ, khi ra ngoài Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Quang để đẻ thì an toàn hơn vì ở đó có máy móc hiện tại và có đội ngũ y bác sĩ chăm sóc”.
Không chỉ có chị Mong mà toàn tỉnh Hà Giang đang có hơn 380 chị em phụ nữ được hỗ trợ theo gói này. Gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn này thực sự là hữu ích. Nó đã làm thay đổi tư duy sinh con tại nhà của chị em bấy lâu nay. Các bà mẹ đã lựa chọn những cơ sở y tế để thăm khám thường xuyên và sinh con tại đây. Đối tượng của dự án 8 là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Đây là lần đầu tiên trong Chương trình Mục tiêu quốc gia có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới.
 |
Hội LHPN thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) tổ chức hội thi “Tìm kiếm giải pháp xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
|
Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi đã thành lập Ban quản lý thực hiện Dự án 8 để tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang triển khai các hoạt động của Dự án 8 trên địa bàn toàn tỉnh; căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Trung ương, các ngành để hướng dẫn cho các cấp Hội phụ nữ cơ sở theo từng năm. Đồng thời trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn, hoạt động đối thoại với cán bộ hội viên phụ nữ”.
Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung. Trong đó tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng là nội dung được quan tâm hàng đầu. Để giúp các nội dung của Dự án được triển khai thì các tổ truyền thông cộng đồng đã được thành lập; đến nay toàn tỉnh đã có 505 tổ.
Bà Hoàng Thị Khuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) cũng cho hay: “Sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai hướng dẫn, chúng tôi đã thành lập 19 tổ truyền thông cộng đồng/ 19 thôn của xã. Sau khi thành lập tiến hành hướng dẫn các tổ này để nâng cao kỹ năng quản lý, tuyên truyền, truyền thông, qua đó đi vào hoạt động hiệu quả đảm bảo mục đích yêu cầu đề ra”.
 |
Hội LHPN xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) ra mắt tổ tuyên truyền cộng đồng tại thôn Cờ Lẳng. |
Hạn chế của các tổ truyền thông cộng đồng chính là kỹ năng tuyên truyền và việc duy trì hoạt động. Bởi vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn vận hành tổ truyền thông cộng đồng, đến nay đã tổ chức được hơn 40 lớp hướng dẫn. Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện tổ chức các hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình…
Những hoạt động thuộc Dự án 8 đã góp phần tạo môi trường cho những phụ nữ nông thôn vùng cao thêm cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số Hà Giang.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan