Hợp tác xã Trà Hạnh Phúc, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) chuyên sản xuất trà hoa hồng hữu cơ và nước hoa hồng, thị trường tiêu thụ đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, những ngày đầu để sản phẩm tiếp cận được với khách hàng không phải là điều dễ dàng. Chị Hà Thị Nhâm, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Hiện nay hợp tác xã (HTX) nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và xây dựng trang Fanpage bán hàng, nhờ đó các đơn hàng cũng tăng lên đáng kể”.

Theo chị Nhâm, năm 2022, HTX bán ra thị trường được hơn 30kg trà và 2.000 chai nước hoa hồng. 8 tháng năm 2023, HTX xuất bán được khoảng 20kg trà và hơn 1.000 chai nước hoa hồng. Sản phẩm của HTX chủ yếu được khách hàng đặt sỉ và lẻ thông qua kênh bán hàng là mạng xã hội facebook cá nhân.

leftcenterrightdel

Từ sử dụng mạng xã hội HTX Nông lâm Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn) đã giới thiệu sản phẩm trà hoa vàng đến với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. 

Còn tại HTX Nông lâm Nghĩa Tá (Chợ Đồn), sản phẩm chủ lực của HTX là sản phẩm cao cấp trà hoa vàng. Đây là sản phẩm sạch, chất lượng được thu hoạch tại rừng tự nhiên, nên sản phẩm trà hoa vàng của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2022. Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX chia sẻ: “Nhận thấy xu hướng phát triển của mạng xã hội với số lượng người dùng ngày càng tăng, đây là “mảnh đất màu mỡ” để kết nối, giới thiệu sản phẩm vì vậy tôi đã sử dụng mạng xã hội facebook để ứng dụng những lợi thế, tiện ích của nó trong việc giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng xây dựng trang Fanpage Trà Hoa Vàng Bắc Kạn để đăng bài giới thiệu về sản phẩm”.

Nhờ thế mạnh của mạng xã hội nên sản phẩm của HTX cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và gọi điện đặt hàng. Từ chỗ chỉ bán trên địa bàn tỉnh thì nay sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nông lâm Nghĩa Tá đã được tiêu thụ tại các tỉnh thành, phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... chủ yếu thông qua việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Năm 2022 HTX xuất bán ra thị trường 20kg trà hoa vàng thành phẩm, với giá bán từ 13 đến 16 triệu đồng/kg. Tới đây HTX sẽ mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm và nghiên cứu quảng bá sản phẩm trên ứng dụng Tiktok nhằm đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, tăng giá trị cho sản phẩm trà hoa vàng. Do tính chất mùa vụ như vậy mà số lượng lao động cũng được điều chỉnh theo mùa. HTX duy trì số lượng 5-6 lao động chính, đặc biệt đến vụ lá trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 4.000.000 đến 4.500.000 đồng/tháng. 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có nhiều HTX do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ, trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nhờ sự nhạy bén, các nữ giám đốc HTX đã và đang bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ, xu thế phát triển của thị trường để ứng dụng trong việc giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ quảng bá sản phẩm cũng là cách để các HTX và chị em phụ nữ vùng cao đưa sản phẩm của HTX mình vươn xa hơn trên thị trường.

leftcenterrightdel
Những lúc nghỉ ngơi, chị em vùng cao lại cùng nhau cập nhật thông tin trên chiếc điện thoại thông minh. 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là một trong hai khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 lựa chọn. Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động Hội, đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang mạng xã hội. Trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức hạch toán kinh doanh, tiếp cận thị trường, kiến thức khởi sự, quản trị, phát triển doanh nghiệp, kỹ năng marketing, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến… Đồng thời kết nối, tư vấn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và kỹ năng livestream bán hàng cho hội viên phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp.

Giai đoạn 2022-2025, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong đó hỗ trợ các HTX do phụ nữ làm chủ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và kết nối, tư vấn hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường mạng Internet nhằm giới thiệu thương hiệu của sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nằm trong Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bài ảnh: LINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan