TP Pleiku là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh; là nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Quảng trường Đại đoàn kết, Biển Hồ, chùa Minh Thành, núi lửa Hàm Rồng… Bên cạnh đó, Pleiku còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar như: Không gian văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, nhà sàn, tượng nhà mồ, các nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm... Đây chính là những lợi thế giúp TP Pleiku xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh của địa phương.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Pleiku Nguyễn Xuân Hà, xác định rõ mục tiêu nêu trên, thời gian qua, TP Pleiku đã tập trung nguồn lực cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch thông qua các hoạt động chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông và mở rộng các tuyến giao thông kết nối Pleiku đi các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và đi lại của người dân, kết nối các khu du lịch, các điểm du lịch với nhau. Thành phố cũng chủ động trong việc đón đầu các xu hướng du lịch để chiều lòng du khách, nhưng vẫn giữ được bản sắc độc đáo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Các hoạt động văn hóa đặc sắc của Festival Văn hóa cồng chiêng đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến với Gia Lai, với Tây Nguyên. 

“Thành phố đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và của tỉnh để xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Cảng hàng không Pleiku. Từ năm 2017 đến nay, thành phố cũng đã đầu tư và khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục phục vụ du lịch”, ông Nguyễn Xuân Hà chia sẻ.

Để tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, TP Pleiku hướng đến xây dựng các làng du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy di sản với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch. Thành phố đã xây dựng 1 khu vườn tượng gỗ gồm 54 tượng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; sửa chữa nhà rông, giọt nước làng Ơp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ); mở các lớp học nghề truyền thống như tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ dân tộc, truyền dạy cồng chiêng… Thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch Gia Lai xây dựng những tour du lịch cộng đồng để đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Là một địa phương có thế mạnh du lịch của TP Pleiku, bà R'cơm H'Myữ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ cho biết, làng Ia Nueng trên địa bàn xã được thành phố đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng. Với mục tiêu này, TP Pleiku đã đầu tư kinh phí để làng tổ chức cải thiện cảnh quan môi trường; mở lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch cộng đồng đối với bà con trong làng để bà con phục vụ cho tốt cho khách du lịch. Bước đầu, người dân trong làng cũng đã có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa sạch đẹp, tích cực hơn trong việc duy trì nghề dệt, tập luyện đánh cồng chiêng để biểu diễn khi du khách có nhu cầu.

Theo bà R'cơm H'Myữ, những hoạt động này đều nhằm thực hiện dự án 6 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 để nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, trong đó, tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư các khu mua sắm, ẩm thực, giải trí; xây dựng cơ sở dịch vụ phục vụ cho các hoạt động lưu trú, tham quan của du khách; tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn nhằm quảng bá hình ảnh, con người Pleiku đến với du khách trong và ngoài nước.

Biến các hoạt động lao động thường ngày của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đang tạo ra hiệu quả cao. 

Chị Vũ Hoàng Diệu Ngân, một du khách TP Hồ Chí Minh tham gia giải chạy Gia Lai City Trail, hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023 cho biết: “Tôi biết đến TP Pleiku qua các hoạt động quảng bá du lịch. Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên của tôi là khí hậu rất mát mẻ. Đặc biệt hơn khi vào tham quan tại các làng đồng bào, được tận mắt chứng kiến nhà rông, tượng gỗ, được xem cồng chiêng tôi thấy rất ấn tượng”.

Nói về định hướng phát triển du lịch của địa phương, Chủ tịch UBND TP Pleiku Đỗ Việt Hưng cho biết, nhờ làm tốt công tác quảng bá và đa dạng hóa các loại hình du lịch, du khách tới tham quan ngày càng nhiều. Để đưa ngành du lịch phát triển, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, của địa phương để xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch; thực hiện xã hội hóa để thu hút đầu tư, phát huy nội lực của người dân, doanh nghiệp; thu hút một số doanh nghiệp lớn từ các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận tham gia đầu tư, bảo đảm vừa phát triển dịch vụ - du lịch trên địa bàn, vừa tạo điều kiện quảng bá trực tiếp hàng hóa của thành phố với các địa phương khác. Dựa theo điều kiện thực tế của thành phố để tạo ra các tour du lịch liên hoàn, đồng bộ có chất lượng; nâng cao chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn.

Các hoạt động thể thao - văn hóa xanh được TP Pleiku tổ chức giúp quảng bá du lịch, cũng như nét đặc sắc riêng của địa phương. 

“TP Pleiku đang hướng đến mục tiêu “cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Do đó, bên cạnh đầu tư về hạ tầng, cải tạo cảnh quan thì với khí hậu mát mẻ, thành phố sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư về những điểm du lịch nghỉ dưỡng, những cơ sở chăm sóc sức khỏe cao cấp và đầu tư cho cảnh quan không gian hướng đến một đô thị thông minh xanh, sạch, đẹp”, ông Đỗ Việt Hưng khẳng định.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.