Tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long đã chào mừng các đoàn cồng chiêng đại diện cho 11 dân tộc Tây Nguyên đã hội tụ về Gia Lai, cùng hòa tấu giai điệu cồng chiêng giữa đại ngàn xanh hùng vĩ. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Việc tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023, đặc biệt là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng nhằm tôn vinh giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực”

Lễ hội đường phố là hoạt động chào mừng Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2023. Trên 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên đã có cuộc trình diễn đậm đà bản sắc và kết nối tình đoàn kết giữa các đồng bào dân tộc. Mỗi nghệ nhân đã góp sức mình để diễn xướng một nốt nhạc và cùng tạo ra bản hòa âm kỳ vĩ trên đường phố Pleiku.

Đoàn nghệ nhân cồng chiêng các tỉnh Tây Nguyên trình diễn trên đường phố TP Pleiku, Gia Lai. 

Khác với các dân tộc thiểu số ở khu vực Bắc Tây Nguyên dùng bộ gõ từ cây rừng để đánh cồng chiêng, người Mạ, người K'ho Sre (tỉnh Lâm Đồng), người M'Nông (tỉnh Đak Nông) lại dùng tay đánh trên những bộ chiêng phẳng. Nghệ nhân K’Breoh (đoàn Lâm Đồng) cho biết: “Dùng nắm tay đánh vào mặt chiêng để tạo ra âm thanh chân thực, mộc mạc nhất, con người cũng kết nối với tự nhiên và thần linh một cách hoang sơ, nguyên thủy nhất”. Nhạc cụ của mỗi dân tộc có đặc trưng riêng, nhưng tổng hòa trong đó chính là âm thanh từ tự nhiên, từ cao nguyên đại ngàn. Đồng bào Tây Nguyên đã biết tận dụng mọi khả năng sẵn có của tự nhiên tạo ra nhạc cụ có tính năng và hiệu quả cao, âm sắc đẹp, cường độ âm thanh với nhiều mức độ

Nếu thanh âm cồng chiêng mang đến một đại tiệc âm thanh thì sắc phục của các dân tộc là sự hội tụ độc đáo về màu sắc. Người Jrai, Bahnar ở Gia Lai hay người Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum mang sắc phục thổ cẩm đen-đỏ rất đặc trưng. Trong khi đó, sắc phục người M'Nông (tỉnh Đak Nông) lại nổi bật với màu xanh lục chủ đạo. 2 dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cũng góp sắc màu với 2 gam đối lập, người Mạ mang sắc trắng thổ cẩm còn người K’ho Sre lại mang sắc xanh đen…

Tham gia trình diễn tại festival, nữ nghệ nhân dệt Ka Gon (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Từ nghề dệt truyền thống của người phụ nữ, mỗi dân tộc lại sáng tạo trang phục truyền thống mang màu sắc riêng. Tôi thấy các dân tộc ở Gia Lai, Kon Tum mặc trang phục theo kiểu choàng hoặc quấn, đây là loại trang phục rất cổ sơ, rất đặc trưng, vô cùng độc đáo”.

Những màn trình diễn của các nghệ nhân từ khắp các tỉnh thành Tây Nguyên mang tới cho người dân và du khách những ấn tượng về sự độc đáo và khác biệt, anh Nguyễn Văn Điều, một người dân TP Pleiku chia sẻ: “Màn trình diễn quá tuyệt vời, đầy màu sắc của các nghệ nhân Tây Nguyên. Hoạt động này mang đến cho phố núi Pleiku một bầu sinh khí rất sôi động, mới mẻ. Tôi mong tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần quảng bá cho du lịch địa phương”.

Festival Văn hóa cồng chiêng không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu của các đoàn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng.

Ông Cao Thế Bả, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với cách làm của tỉnh Gia Lai trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cồng chiêng. Trước đó, đoàn nghệ nhân Lâm Đồng tham gia Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018. Đó là một lễ hội được Gia Lai tổ chức rất thành công, mang ý nghĩa rất lớn trong việc làm cầu nối để quy tụ các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên”.

Theo đó, công tác tổ chức festival được tỉnh Gia Lai tổ chức trong thành phố, nhưng vẫn tạo ra một sân khấu tự nhiên để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trình diễn cái nguyên sơ, mộc mạc của dân tộc mình. Điều đó tạo nên một không gian tôn vinh văn hóa và trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Gia Lai cũng là địa phương đang làm rất tốt công tác bảo tồn, có số lượng cồng chiêng đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên. Cộng đồng dân tộc thiểu số Gia Lai vẫn lưu giữ được hệ thống lễ hội vô cùng phong phú. Trong 2 ngày diễn ra Festival Văn hóa cồng chiêng, đã có chục ngàn người dân và du khách, trong đó có nhiều du khách quốc tế biết tới và ghé thăm.

Các hoạt động văn hóa đặc sắc của Festival Văn hóa cồng chiêng đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến với Gia Lai, với Tây Nguyên.

Sự quyến rũ của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thực tế không chỉ thu hút người Việt Nam, mà đã lan tỏa ra quốc tế. Sang Việt Nam du lịch, khi tới Tây Nguyên và biết Gia Lai sắp tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng, anh chị Michael và Anna Grinch đã tới tham gia các hoạt động lễ hội. Sau khi trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc biệt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, anh Michael Grinch bày tỏ sự ấn tượng: “Mọi thứ đối với chúng tôi đều rất mới mẻ và tuyệt vời. Tôi yêu vùng đất đặc biệt này”.

Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Gia Lai và nhiều địa phương Tây Nguyên khác trong việc phát triển du lịch. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nhấn mạnh, festival là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh Gia Lai về giá trị độc đáo của di sản cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người địa phương. Đó cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.