Xã Rờ Kơi là 1 trong 2 xã biên giới của huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) với 91% là đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chương trình 1719 đã giúp người dân nơi đây thay đổi tư duy; lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp điều kiện của địa phương. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện và nâng cao, Rờ Kơi đang từng bước thay da, đổi thịt, diện mạo xã vùng biên ngày càng khởi sắc.
Cú huých chủ động vươn lên từ nội lực địa phương
Trước đây, kinh tế chủ yếu của toàn xã chỉ dựa vào cây lúa và cây mì (sắn) khiến đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% (năm 2017); lao động chủ yếu bằng tay chân, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ sản xuất theo phương thức lạc hậu, tự cung - tự cấp, người dân đã phát triển kinh tế sản xuất theo quy mô hợp tác xã; kết hợp cùng Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” đã đạt được thành quả nhất định.
 |
Cán bộ địa phương hướng dẫn đồng bào chăm sóc cây ăn quả. |
Tiêu biểu cho hướng đi này là Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thái Thanh (HTX Thái Thanh) đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm an đạt OCOP ba sao cấp tỉnh. Ông Nguyễn Duy Lơ, Giám đốc HTX Thái Thanh cho biết, hơn 60ha dưới chân đồi Sạc Ly thuộc thôn Đăk Tang là thành quả của nhiều hộ gia đình cùng chung tay, biến vùng đất chết thành vùng sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn VietGAP. Hiện HTX đang trồng sầu riêng Muangthong, mít Thái và bơ 034, bơ Boot; lợi nhuận hàng năm đạt hàng tỷ đồng.
Sau 4 năm đầu tư sản xuất trồng 4ha sầu riêng, đây là vụ thu hoạch đầu tiên ông A Sơn (thôn Kram) nhờ tuân thủ quy trình VietGAP mà HTX đưa ra. Trước ngày thu hoạch, ông rất phấn khởi vì toàn bộ sầu riêng đã được đơn vị thu mua đến tận vườn ký hợp đồng với giá cao. Ông A Sơn phấn khởi chia sẻ, khi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ mở rộng thêm diện tích để tiến tới đáp ứng đủ 10ha để có thể đăng ký mã vùng trồng, tất cả đều được trồng theo phương pháp hữu cơ và sinh học hoàn toàn, giúp cây phát triển và trái có chất lượng.
Cơ chế, chính sách làm bệ đỡ ngoại lực
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy khẳng định, địa phương đang nỗ lực hướng dẫn bà con xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng diện tích đáp ứng đủ diện tích cấp mã vùng trồng. Đối với các cây ăn quả đáp ứng đủ mã vùng phải đạt 10ha trở lên, huyện đã làm hồ sơ cấp 2 mã vùng trồng tại xã Rờ Kơi, tiến tới cấp thêm 3 mã vùng trồng mới.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và khí hậu, xã Rờ Kơi đang phát triển mạnh cây có múi như bơ, sầu riêng, mít. Thông qua việc lồng ghép nguồn vốn của Chương trình 1719 đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển cây ăn trái bền vững, hướng tới thế mạnh vùng và tạo chuỗi sản xuất nông nghiệp có giá trị.
Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi A Theng cho biết thêm, từ nguồn vốn của Chương trình 1719, xã đã triển khai Dự án 3 với việc phân bổ 769.000.000 đồng cho việc thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; UBND xã Rờ Kơi đã xây dựng Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 24-3-2023 để tổ chức thực hiện vấn đề này. Nội dung chương trình, dự án đều sâu sát, thực tế với nhu cầu của người dân đặc biệt là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng khó khăn.
 |
Đồng bào ở Rờ Kơi tập trung phát triển mô hình nông nghiệp hợp tác xã theo hướng VietGAP. |
Đánh giá về bước đầu thành công của sự kết hợp nội lực và ngoại lực, ông A Theng bày tỏ: “Nhờ tinh thần tự lực và nguồn vốn kịp thời đã tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của đồng bào, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Khi đã cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực đã tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập… Tác động của chương trình đã giúp đồng bào có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình. Thông qua đó, giúp đồng bào nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng vươn lên thoát nghèo”.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.