Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa tại thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nằm trên tuyến đường trekking của du khách quốc tế với không gian của thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông và dân tộc Giáy xã Tả Van, du khách đi qua đây đều dừng chân. Đặc biệt, các tour của HTX Mường Hoa như: Tour vẽ sáp ong, khâu buộc thổ cẩm, tour nặn hương thảo mộc truyền thống hay tour trải nghiệm ẩm thực dân tộc Giáy đã mang lại thu nhập, tạo việc làm cho 7 thành viên chính thức và 13 thành viên tham gia thêu thổ cẩm, nặn hương…
 |
Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa (mặc trang phục truyền thống) hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm vẽ sáp ong của người dân tộc Mông. |
Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX đạt doanh thu khoảng 60-70 triệu đồng đối với hoạt động kinh doanh thổ cẩm và dịch vụ trải nghiệm thực tế cho du khách trong và ngoài nước. Mỗi gói tour trải nghiệm như vẽ sáp ong, nhuộm chàm (dân tộc Tày), nặn hương, ẩm thực dân tộc Giáy (giã bánh giầy) đều có giá trung bình từ 150 nghìn đồng-350 nghìn đồng/người, thời gian cho mỗi tour là từ 2-4 tiếng. Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX Mường Hoa, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: “Trong thời gian tới, tôi sẽ thiết kế thêm nhiều tour trải nghiệm về văn hóa hơn nữa! Thứ nhất là giới thiệu tới các bạn du khách trong nước và nước ngoài hiểu văn hóa dân tộc bản địa! Thứ hai là tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở đây”.
 |
Du khách chụp hình lưu niệm tại HTX Mường Hoa, thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa.
|
HTX Mường Hoa bắt đầu đón khách từ năm 2021, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cung cấp dịch vụ trải nghiệm xung quanh sản phẩm thổ cẩm, tạo điều kiện cho chị em dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định. Các sản phẩm của HTX được làm từ vật liệu sẵn có trong tự nhiên như sáp ong, cây chàm,.. Đây không chỉ là cách tiếp cận thân thiện với môi trường mà còn là cách bảo tồn và truyền lưu giữa các thế hệ về nghệ thuật truyền thống của người dân tộc Mông.
Xuyên suốt trong quá trình trải nghiệm, mỗi du khách sẽ được hướng dẫn viên bản địa hướng dẫn tỉ mỉ về cách làm, mặc thử quần áo dân tộc, được tự tay thiết kế, sáng tạo cho mình một món quà lưu niệm ý nghĩa theo đúng phương thức truyền thống của người dân tộc Mông.
 |
Hợp tác xã thu mua sản phẩm thêu thổ cẩm cho bà con nhân dân. |
Đặc biệt, tour vẽ sáp ong tại HTX Mường Hoa-một trong những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đã thu hút đông đảo du khách tham gia. Để vẽ được một tấm áo sáp ong cần phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỹ càng. Sáp ong không được đun nóng quá, cũng không được để nguội quá nếu không sẽ không đọng được lên tấm vải. Công cụ vẽ bắt buộc phải là đồng đỏ hoặc đồng vàng. Sau khi vẽ tấm vải sẽ được đem đi nhuộm và được luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn, được thêu thủ công thành nhiều sản phẩm khác nhau. Anh Đỗ Việt Cường, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tới nơi này, cảm giác thật vui khi được trực tiếp trải nghiệm vẽ sáp ong và mặc những bộ quần áo đặc trưng của người dân tộc địa phương”.
Để thu hút du khách, các tour trải nghiệm của HTX Mường Hoa luôn chú trọng đến chất lượng dịch vụ, các hướng dẫn viên bản địa thông thạo tiếng Anh, giới thiệu chân thực nhất về những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương…
 |
Chị Sùng Thị Lan - Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. |
Với sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và sáng tạo, trong cách nghĩ, cách làm, HTX Mường Hoa không chỉ là điểm đến cho du khách tìm hiểu về văn hóa dân tộc mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững, nơi cộng đồng và du khách hòa mình vào một hành trình kết nối văn hóa đầy ý nghĩa, thu hút du khách, đặc biệt là người nước ngoài đến với Khu du lịch Quốc gia Sa Pa; đồng thời cũng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch như trong dự án 6 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Bài và ảnh: PHẠM QUỲNH - PHƯƠNG THẢO
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.