Những đứa trẻ với khuôn mặt thơ ngây, hồn nhiên, ở cái lứa tuổi đáng ra phải được cắp sách tới trường, vô lo, vô nghĩ thì giờ đây đã phải oằn mình với gánh nặng gia đình; cõng trên vai trách nhiệm làm mẹ, làm vợ khi mới 14, 15 tuổi. Những quan niệm, nhận thức cổ hủ trong hôn nhân của đồng bào DTTS nơi rẻo cao này đã vô tình tạo nên tình trạng những đứa trẻ sinh ra những đứa trẻ.
 |
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổ chức hội thi truyền thông về xóa bỏ hủ tục.
|
Thậm chí có những đứa trẻ đã phải ra đi mãi mãi, bỏ lại đứa con thơ mới lọt lòng như trường hợp đáng buồn xảy ra tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc trước đây của em Thò Thị V... Khi mới 14 tuổi, cái tuổi đáng lẽ đang đến trường vui cùng bạn bè, vậy mà cô bé người Mông này lại bỏ học để lấy chồng, chồng V. cũng chỉ mới 18 tuổi; về ở với nhau được hơn một năm, V có bầu và sinh con tại nhà, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, cộng với sự thiếu hiểu biết của gia đình nên em bị biến chứng băng huyết sau sinh và đã ra đi mãi mãi ở cái tuổi 15, bỏ lại đứa con thơ mới lọt lòng.
Nhớ lại câu chuyện buồn của đứa cháu, chị Ly Thị Mỷ, bác của V. buồn rầu nói: “Cũng chỉ vì sự bồng bột của con trẻ, sai lầm của người lớn, để rồi giờ đây, bố mẹ mất con, chồng mất vợ và con thơ thì mồ côi mẹ. Giờ đây khi mà nhận thức ra thì cũng đã muộn rồi…”.
 |
Những đứa trẻ với khuôn mặt thơ ngây, hồn nhiên, ở cái lứa tuổi đáng ra phải được cắp sách tới trường, vô lo, vô nghĩ thì giờ đây đã phải oằn mình với gánh nặng gia đình; cõng trên vai trách nhiệm làm mẹ, làm vợ khi mới 14, 15 tuổi. |
Đó chỉ là 1 trong vô vàn những câu chuyện buồn về nạn tảo hôn diễn ra ở các địa phương của Hà Giang. Hệ lụy của tảo hôn đang hiện hữu, dễ dàng nhìn thấy, giai đoạn 2021-2024, Hà Giang có 19.358 cặp kết hôn, trong đó, có gần 1.000 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ trên 5%, có hơn 620 trường hợp trẻ em gái sinh con trước 18 tuổi.
Đường vào thôn, bản vốn đã cheo leo, chật hẹp, mưa xuống lại trở nên lầy lội, nguy hiểm. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ, len lỏi qua những dãy núi đá tai mèo, bám theo bờ ruộng để đi xuống, tới gần bờ sông Nho Quế, một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ cũ, xiêu vẹo hiện ra trước mắt chúng tôi. Bóng dáng một người phụ nữ nhỏ thó, mặt gầy guộc đen sạm đang ngồi tựa cửa cho con ngủ, đôi mắt trũng sâu, thẫn thờ nhìn ra bên ngoài. Đó chính là chị Vàng Thị Chía, thôn Thín Ngài, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc; nét khắc khổ trên khuôn mặt chị khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi biết chị mới 40 tuổi.
“Chồng sợ quay về sẽ bị ốm đau, bệnh tật. Nhà cả năm trồng được 40 bao ngô thôi, chưa năm nào đủ ăn. Sinh 7 đứa con rồi, nhưng chỉ được con gái. Đứa đầu không đi học, 5 đứa sau chắc cũng phải nghỉ học thôi. Đẻ mãi mà cũng không cho con trai”, đôi mắt tuyệt vọng của chị Chía còn u ám hơn bầu trời đang giăng mây xám xịt.
 |
Nỗ lực để trẻ em được học tập trong môi trường thuận lợi với cơ sở vật chất khang trang. |
Bên trong căn nhà nhỏ, đáng giá nhất có lẽ là mấy chiếc nồi và một chiếc cân dùng để cân ngô. Theo lời của kẻ truyền đạo, trước khi đi ngủ để một cân ngô dưới đất và cầu nguyện, sáng mai ngô sẽ đẻ ra ngô và không cần làm cũng có đủ ăn. Thế nhưng cũng từ ngày ấy, cả gia đình chị chưa từng có một bữa cơm tử tế.
Được biết, chồng chị Chía bị dụ dỗ theo tà đạo đã gần 20 năm, từ ngày đi theo tà đạo gia đình chị thiếu ăn, khổ mà không biết kêu với ai, vì anh em họ hàng không ai tiếp chuyện.
Cũng là nạn nhân của việc chồng theo tà đạo, bà Mua Thị Sùng, sinh năm 1971, thôn Thín Ngài, xã Thượng Phùng, phải sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn nhiều năm liền. Đỉnh điểm cách đây 3 năm, bà Sùng bị ốm, chồng tin vào tà đạo nên không đưa bà đến bệnh viện thăm khám. Chỉ tới khi bệnh trở nặng mà vẫn không thấy “chúa” nào phù hộ, ông Ly Mý Chả, chồng bà mới tá hỏa đưa vợ đi viện. Với sự tận tình của các bác sĩ, bà đã qua cơn nguy kịch, bình phục và trở về nhà. Từ đó ông Chả quyết định bỏ tà đạo.
 |
Quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số. |
Căn nhà nằm ở ven sườn núi, nguy cơ sạt lở rất cao, vợ chồng bà Sùng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng một căn nhà mới tái định cư, tặng một con bò để làm vốn phát triển kinh tế. “Ngày chồng còn theo tà đạo, tôi chưa bao giờ dám mơ được ở căn nhà xây mới bằng gạch. Trong thôn có đám ma, đám cưới, tôi không được mời, đến cũng không ai chào hỏi, nói chuyện, cảm giác buồn tủi lắm. Bây giờ thì khác rồi, tôi còn được tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, vợ chồng bảo nhau làm ăn, ốm thì đi bệnh viện, thấy phấn khởi lắm”, bà Sùng tâm sự. Nhìn nụ cười trên gương mặt cũng đủ để cảm nhận, bà đang tràn đầy hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Chị Ma Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc cho biết: “Đến tháng 8-2024, xã Thượng Phùng đã tuyên truyền vận động thành công 100% các hộ theo tà đạo quay lại phong tục tập quán truyền thống. Để giúp chị em sớm hòa nhập với cuộc sống cộng đồng sau khi bỏ tà đạo, cán bộ phụ nữ xã, thôn, các tổ truyền thông cộng đồng liên tục vận động chị em mạnh dạn tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, văn hóa văn nghệ. Khi ngày mùa màng, cán bộ phụ nữ xã, thôn lại huy động lực lượng để đến giúp các chị em, bẻ ngô, chặt ngô, cuốc nương, trồng đỗ,... Tuy chỉ là những việc nhỏ nhưng nó đã giúp nhiều chị em gỡ bỏ mặc cảm, tự ti, trở lại với cuộc sống cộng đồng. Trẻ em cũng được đến trường, tham gia học tập đầy đủ hơn”.
 |
Hà Giang nỗ lực xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. |
Các cấp Hội LHPN của Hà Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” gắn với Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 1-5-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030; bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung gắn gọn, sát thực tiễn địa phương.
Kết quả, các cấp Hội toàn tỉnh duy trì, thành lập mới và nhân rộng 76 mô hình/câu lạc bộ về bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; duy trì và thành lập mới 1.126 Tổ truyền thông cộng đồng với 7.148 thành viên. Qua đó, phối hợp vận động, can thiệp hoãn hôn thành công 47 cặp có ý định tảo hôn và 44 cặp kết hôn cận huyết thống; tuyên truyền thành công 182/880 nữ người dân tộc Mông chết đưa vào áo quan, 99 nữ chết được đưa đi hỏa táng; vận động 37 hộ theo tà đạo quay trở lại phong tục tập quán…
 |
Hỗ trợ phát triển sinh kế, giúp phụ nữ phát triển kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. |
Bà Trần Thị Yến Nga, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang thông tin, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là hội viên phụ nữ xóa bỏ tục lạc hậu; các cấp Hội chú trọng hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; năm 2024, đã mở 38 lớp đào tạo nghề cho 1.230 phụ nữ, tư vấn giới thiệu việc làm cho 550 phụ nữ. Duy trì 12 hợp tác xã, tạo việc làm cho 350 hội viên tại địa phương; thành lập và duy trì 9 Tổ hợp tác, nhân rộng và duy trì 550 Tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… Qua đó, giúp đỡ được 217 phụ nữ nghèo, cận nghèo/193 cơ sở được thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Thông qua các hội nghị, chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới thuộc Dự án 8 đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong cộng đồng, các hủ tục đã dần được người dân hiểu biết và thay đổi, xóa bỏ. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi nơi rẻo cao Hà Giang.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.